Tuyệt đối không được dùng các bài thuốc dân gian điều trị rắn độc cắn

Chiều 30-11, BS Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện T.Ư Huế) cho biết, đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 16 trường hợp người dân bị rắn cắn, trong đó có chín người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế).

Theo thống kê của khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện T.Ư Huế), trong hai tháng 10 và 11, đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị kịp thời chín người bệnh trên địa bàn thị xã Hương Thủy bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

* Ngày 1-12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong. Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) theo đường dây nóng của Bệnh viện Bạch Mai.

Số điện thoại: 096 985 1616.

Các đơn vị tổ chức tập huấn, đào tạo lại về việc sơ cứu, cấp cứu, hồi sức, chống độc, chăm sóc người bị rắn độc cắn cho bác sĩ, điều dưỡng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho nhân dân địa phương vùng hay gặp rắn cắn biết phân biệt bị rắn độc cắn, biết cách tự sơ cứu và đến cơ sở y tế kịp thời để cấp cứu, điều trị...

Theo PGS, TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều, là do những cánh rừng nơi chúng trú ngụ bị tàn phá khiến rắn phải dịch chuyển về phía các khu dân cư; do ô nhiễm môi trường, cũng như thời tiết năm nay tại nhiều địa phương ấm nóng kéo dài, đây là điều kiện thuận lợi cho rắn sinh sôi nảy nở...

Do vậy khi bị rắn cắn, mọi người phải tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn; dùng dây, vải buộc gần nơi bị cắn, tránh để độc tố lan rộng và cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Người dân tuyệt đối không được dùng các bài thuốc dân gian; không được nặn, trích, rạch, châm, chọc hút nọc độc, chườm đá vết cắn...