Tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học

Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện có hiệu quả việc phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường học. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã giảm tình trạng học sinh vi phạm các quy định pháp luật và nội quy, quy chế của nhà trường.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) trình diễn tiểu phẩm về an toàn giao thông.
Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) trình diễn tiểu phẩm về an toàn giao thông.

Tại Trường THCS Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được nhà trường chú trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.

Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhà trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức, như: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi... Trường THCS Huyền Tụng cũng phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào hoạt động văn hóa, văn nghệ… Trong buổi ngoại khóa, các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi-đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu, vô cùng thực tế, gần gũi với đời sống, phù hợp tâm lý lứa tuổi; tổ chức các trò chơi "học mà chơi, chơi mà học" giúp cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia.

Em Hứa Lại Kim Ngân, học sinh lớp 7D, Trường THCS Huyền Tụng chia sẻ: "Em rất ấn tượng với các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật theo hình thức sân khấu hóa. Hình thức này vừa gần gũi, sinh động vừa dễ hiểu cho nên giúp chúng em hiểu rõ hơn các quy định pháp luật và tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hằng ngày".

Chị Ma Thị Thùy, cán bộ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nghiên Loan (huyện Pác Nặm) cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật đến học sinh, nhà trường kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành giáo dục và các hoạt động của nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội, sử dụng băng đĩa, phim ảnh để kết hợp giữa tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến… nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật trong trường học.

Trước tình hình tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, trong đó không ít nạn nhân là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học 2022-2023, ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn đã triển khai mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" và mô hình "Ðội tuyên truyền an toàn giao thông" trong các lớp học, "Hỗ trợ học sinh tham gia an toàn giao thông"… Từ mô hình, các trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh.

Ngoài ra, các trường cũng phối hợp cha mẹ học sinh tổ chức ký cam kết để con chấp hành pháp luật về giao thông; cùng công an giao thông, đoàn thanh niên... tổ chức các đợt bảo đảm giao thông ở cổng trường, đoạn đường gần trường.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được tất cả trường ở các cấp, bậc học ở Bắc Kạn duy trì, thực hiện tốt. Ðể tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bắc Kạn, các địa phương của tỉnh thường xuyên chỉ đạo các trường học nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên và học sinh.

Hằng năm, Sở tổ chức hội nghị tập huấn liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho giáo viên; phối hợp với các sở, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho giáo viên, học sinh dưới hình thức hội thi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa…

Các nhà trường cũng thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, an toàn trường học; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Hiện tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều có tủ sách pháp luật. Nhờ đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường học trên địa bàn, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh ở các trường học của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo môi trường giáo dục lành mạnh; giảm tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh niên, thiếu nhi ■