Tuyên truyền pháp luật tới người dân biên giới

NDO -

Thời gian qua, các đơn vị Biên phòng Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới...

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn.
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) phối hợp xã Nậm Cắn, huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) tổ chức tại bản Khánh Thành đã thu hút rất đông người dân tham gia. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng chống tác hại ma túy; phòng, chống bạo lực gia đình; công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn...

Thiếu tá Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cho biết: Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn luôn ý thức được việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối đưa pháp luật lan tỏa vào cuộc sống của người dân. Nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân; từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, đơn vị đã tăng cường công tác triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc triển khai này được thực hiện bằng nhiều hình thức như tập trung tại hội trường trong các cuộc họp của dân bản, hay phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh của xã, bản...

Cùng với đó, Đồn Biên phòng còn phối hợp địa phương thành lập các tổ lưu động trực tiếp tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Chẳng hạn như việc để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, xây dựng địa bàn biên giới bình yên, những năm qua Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã phối hợp các địa phương triển khai mô hình “Tổ hòa giải cộng đồng”. Thành viên của các tổ hòa giải là lãnh đạo địa phương, Hội phụ nữ, Ban Quản lý bản và lực lượng Bộ đội Biên phòng. Các tổ trực tiếp đến các hộ gia đình để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương đến từng hộ gia đình.

Chị Ngôn Thị Hương, thành viên tổ hòa giải bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn chia sẻ: Trong địa bàn đã từng có các cặp vợ chồng xảy ra xung đột gây mất an ninh trật tự trong bản; để giải quyết tổ hòa giải đã đến gặp gỡ vợ chồng tuyên truyền cho họ biết, vợ chồng sống với nhau phải thông cảm cho nhau, nhường nhịn, chia sẻ mọi công việc, cố gắng vươn lên xây dựng cuộc sống, gia đình ấm no hạnh phúc.

Nhờ hoạt động tích cực của các tổ hoà giải mà tình trạng bạo lực trong gia đình ở các bản của xã biên giới Nậm Cắn giảm hẳn. Các cặp vợ chồng trước đây hay xảy ra xung đột, giờ đã biết nhường nhịn, chia sẻ, yêu thương nhau hơn và chí thú làm ăn, quan tâm đến việc nuôi dạy con cái…         

Đưa pháp luật tới người dân biên giới -0
Trực tiếp tuyên truyền pháp luật trên các tàu đánh cá xa bờ khi neo đậu tại Cảng cá Lạch Quèn. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Cắn Xồng Bá Lầu cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng thống nhất lựa chọn các nội dung mà bà con còn thiếu, thường xảy ra trong đời sống hằng ngày của đồng bào biên giới như Luật Biên phòng, Luật phòng chống bạo lực, Luật hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… để tuyên truyền đến bà con, thông qua những việc làm, sự việc cụ thể xảy ra trên địa bàn, nhất là sử dụng tối đa ngôn ngữ địa phương nên bà con dễ tiếp thu và thực hiện.

Các đồn biên phòng khác của Bộ đội Biên phòng Nghệ An ở dọc tuyến biên giới Việt-Lào cũng tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tương tự như Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Việc đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền đã giúp người dân, nhất là đồng bào các dân tộc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa các chính sách pháp luật lan tỏa vào cuộc sống, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao. Người dân biết tự bảo vệ mình, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) quản lý địa bàn 9 xã biên giới biển, với hơn 900 phương tiện hoạt động khai thác xa bờ, chủ yếu ở các xã: Tiến Thủy, Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa… Để ngư dân yên tâm bám biển, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản, tham gia phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm cứu nạn; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về thủy sản và các tổ chức hoạt động trên biển đến bà con ngư dân.

Thiếu tá Võ Đình Tao, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết: Đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến người dân, nhất là các chủ phương tiện hoạt động khai thác xa bờ về biển đảo và tình hình tàu cá khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU). Các nội dung tuyên truyền này đã giúp ngư dân hiểu được về chế độ pháp lý trên các vùng biển, các hiệp định, thoả thuận Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực...

Ông Vũ Ngọc Chắt, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, phụ trách nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: Trong nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã Quỳnh Long và Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận được thực hiện rất tốt; trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, tập huấn cho bà con ngư dân về phòng cháy chữa cháy đối với tàu thuyền tại nơi neo đậu cũng như khi tham gia sản xuất trên biển, công tác cứu hộ, cứu nạn khi có mưa bão xảy ra.

Trong quá trình sản xuất, nếu phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam kịp thời thông tin cho đồn Biên phòng, địa phương để xử lý nhằm bảo đảm công tác sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với đó là việc nhắc nhở bà con khi xuất bến đi sản xuất phải chấp hành theo Luật Thủy sản 2007, chấp hành các quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, nhằm nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng của EC.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, công tác tuyên truyền pháp luật của của Bộ đội Biên phòng Nghệ An ở hai tuyến biên giới đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với bà con các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương cũng như giữ bình yêu biên giới.