Dự báo điểm chuẩn tăng
Mặc dù những năm gần đây, phần lớn các trường đại học, cao đẳng (khối ngành sư phạm) đều có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhưng phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2021, phổ điểm thi theo một số tổ hợp xét tuyển truyền thống được Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) công bố cho thấy cao hơn năm 2020. TS Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Thủy lợi) nhìn nhận, điểm chuẩn xét tuyển của các trường tăng hay không phụ thuộc vào ba yếu tố: Chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT; nguyện vọng của thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển như thế nào; ngành trúng tuyển có đúng với ngành nghề mà thí sinh yêu thích, mong muốn theo học hay không. Tuy nhiên, với phổ điểm thi năm 2021 tăng hơn so với năm 2020 thì điểm chuẩn xét tuyển cũng sẽ tăng lên. TS Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mở Hà Nội cho biết, qua phân tích phổ điểm một số khối thi truyền thống, điểm trung bình các tổ hợp: Toán - Lý - Hóa là 19,8 điểm; Toán - Hóa - Sinh là 18,75 điểm; Ngữ văn - Lịch sử - Ðịa lý là 18,4 điểm; Toán - Ngữ văn - tiếng Anh là 18,92 điểm. Như vậy, với điểm trung bình các tổ hợp xét tuyển những năm trước khoảng 17 thì điểm điểm xét tuyển năm 2021 sẽ cao hơn so với mọi năm.
Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ÐT), phổ điểm thi năm 2021 tăng ở nhiều môn thi, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, dải điểm rộng hơn nên việc xét tuyển của các trường sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điểm thi cao và các trường đại học dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức xét tuyển khác (xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế…) nên tỷ lệ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định. Ðiều đó sẽ khiến điểm xét tuyển vào đại học theo phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT dự báo tăng hơn các năm trước.
Theo quy định thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng cho nên các em cần căn cứ vào ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) của từng trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Một số trường đã công bố điểm sàn để thí sinh cân nhắc như: Trường đại học Kinh tế quốc dân 20 điểm; Trường đại học Kinh tế (Ðại học Quốc gia Hà Nội) 23 điểm đối với chương trình đào tạo chất lượng cao (đã cộng điểm ưu tiên), 16,5 điểm với chương trình liên kết quốc tế (chưa cộng điểm ưu tiên); Trường đại học Hà Nội 16 điểm… Ngoài ra, năm 2021, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến ba lần. Tuy nhiên, để tránh trường hợp điểm thi cao vẫn trượt, hoặc trúng tuyển vào nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất và điểm trúng tuyển cao lên trước. "Ðiểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25, 26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ. Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần xem xét: không vì thấy điểm mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước thì đăng ký mà không có các lựa chọn an toàn khác. Vì điểm cao là cao trên mặt bằng chung, chứ không phải cá biệt một số ít thí sinh" - PGS, TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.
Lùi nhiều mốc thời gian xét tuyển
Ðiểm đáng chú ý trong tuyển sinh năm 2021 là ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác xét tuyển chịu tác động đáng kể. Theo PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD và ÐT chủ động nắm bắt và có các điều chỉnh kịp thời để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và các trường trong công tác xét tuyển sinh. Thí sinh cần bình tĩnh, thực hiện phòng, chống dịch theo quy định và theo dõi và thực hiện đúng các quy định về tuyển sinh.
Bộ GD và ÐT đã đề nghị các cơ sở đào tạo dành một số chỉ tiêu tuyển sinh đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tỷ lệ tương ứng tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo căn cứ lịch tuyển sinh được điều chỉnh và tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung phương thức xét tuyển phù hợp với yêu cầu và tạo thuận lợi cho thí sinh. Một số mốc thời gian tuyển sinh được lùi lại như: công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe chậm nhất ngày 26/8 (lịch cũ là 3/8); thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo phương thức trực tuyến) và điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ) từ ngày 29/8 đến 17 giờ ngày 5/9 (lịch cũ từ ngày 7 đến 17/8); công bố kết quả trúng tuyển đợt 1, trước 17 giờ ngày 16/9 (lịch cũ trước 17 giờ ngày 23/8); thí sinh xác nhận nhập học đợt 1, trước 17 giờ ngày 26/9 tính theo dấu bưu điện (lịch cũ trước 17 giờ ngày 1/9 tính theo dấu bưu điện).
TS Trần Khắc Thạc cho rằng, dịch Covid-19 tác động đến tâm lý, tư tưởng của thí sinh; ảnh hưởng đến kinh tế mỗi gia đình cho nên những gia đình khó khăn sẽ càng khó có cơ hội cho các em đi học. Mặt khác, quá trình tổ chức tuyển sinh, các trường không có được nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến thông tin, mà thí sinh chủ yếu tham khảo qua mạng. Vì vậy, để thích ứng với tình hình thực tế, việc điều chỉnh lùi các mốc thời gian xét tuyển là phù hợp cho các trường và thuận lợi cho thí sinh, nhất là thí sinh vùng giãn cách. Nếu diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp kéo dài, các trường cần tiếp tục có thêm những giải pháp để công tác tuyển sinh thích ứng với tình hình mới.