Những trường thuộc "tốp 25,5 điểm"
Điểm chuẩn năm 2005 của ngành này tại một số Học viện, Đại học đều ở mức 25,5 điểm. Tuy nhiên, do điểm chuẩn cao nên tỷ lệ chọi (tỷ lệ thực giữa tổng số người dự thi và chỉ tiêu) thấp. Thậm chí như tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội có những ngành thuộc nhóm ngành Tin học - Công nghệ thông tin thì cứ hai người thi có một người đỗ. Vì vậy, nếu thí sinh tự tin với lực học nên mạnh dạn đăng ký. Dưới đây là những trường đại học có truyền thống và uy tín đào tạo trong lĩnh vực này.
Nhóm ngành Công nghệ thông tin của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được đào tạo theo năm chuyên ngành là Khoa học máy tính, Hệ thống máy tính, Hệ thống thông tin, Truyền thông máy tính và Công nghệ phần mềm.
Thầy Dương Đức Hồng - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chỉ có một điểm chuẩn vào tất cả các ngành, điểm chuẩn năm 2005 là 25,5 điểm. Sau khi học hết năm thứ nhất nhà trường sẽ căn cứ trên kết quả học tập của học sinh để phân ngành. Những thí sinh đỗ vào trường có cơ hội được tuyển vào hệ đào tạo Kỹ sư chất lượng cao theo chương trình hợp tác Việt-Pháp.
Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định các nguyên tắc ra đề như năm 2005, số lượng thi vào trường ĐH Bách khoa trong hai năm qua đã giữ mức ổn định nên các thí sinh có thể so sánh học lực của mình với điểm chuẩn năm 2005 của trường để tham khảo.
Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay tuyển 300 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ thông tin. Mức điểm chuẩn của ngành này năm 2005 cũng ở mức 25,5 điểm. Ông Đào Anh Đức - chuyên viên tuyển sinh, phòng Đào tạo cho biết: Trường ĐH Công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội tuy là một trường mới được thành lập nhưng có lợi thế là có được sự hợp tác chặt chẽ với một số Viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam như Viện Khoa học Vật liệu, Viện Công nghệ thông tin... Nếu đỗ vào trường, sinh viên sẽ có cơ hội được học tập với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này và thực hành nghiên cứu tại các viện nghiên cứu.
Ở khu vực phía nam, những trường "đắt giá" đào tạo ngành Công nghệ thông tin có thể kể đến Đại học Bách khoa thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Năm 2006 trường sẽ tuyển 330 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ thông tin. Sau khi vào học hết chương trình chung, nhà trường mới phân vào các chuyên ngành. Điểm chuẩn năm 2005 của trường là 25,5 điểm (cao thứ hai so với các ngành trong trường, chỉ sau ngành Cơ điện tử là 27 điểm).
Ngoài ra, thí sinh có thể theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Năm 2006, trường này có tuyển theo hai chuyên ngành: Mạng máy tính và Viễn thông. Sẽ có 250 chỉ tiêu cho cả hai chuyên ngành này. Điểm chuẩn năm 2005 là 25,5 điểm. Những sinh viên đỗ vào trường có cơ hội được xét vào học theo hệ cử nhân tài năng. Năm 2006, nhà trường sẽ tuyển 30 sinh viên hệ Cử nhân tài năng cho ngành Công nghệ thông tin.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông năm nay cũng tuyển ngành Công nghệ thông tin cho cả bậc đại học và cao đẳng. Chỉ tiêu của hệ đại học là 25 chỉ tiêu (cho cơ sở đào tạo phía bắc) và 70 chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo phía nam. Và mức điểm chuẩn của thí sinh đào tạo ở cơ sở phía bắc năm 2005 là 25,5 điểm.
Trường đại học Xây dựng có ngành Công nghệ phần mềm. Nhà trường chưa có chỉ tiêu cụ thể cho ngành này từ đầu, khi nhập trường mới phân ngành. Điểm chuẩn của ngành Công nghệ phần mềm năm 2005 là 25,5 điểm.
Những trường dưới 20 điểm
Trong số những trường thường có mức điểm chuẩn vào ngành Công nghệ thông tin dưới 20 thì những trường ĐH công lập thường có điểm chuẩn nhỉnh hơn các trường ĐH dân lập. Phần lớn các trường dân lập và một số trường đại học vùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chỉ có mức điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn đại học do Bộ GD-ĐT quy định
Năm 2005 chỉ có một trường có mức điểm chuẩn vào ngành Công nghệ thông tin là 20 điểm đó là ĐH Hồng Đức. Năm nay, ĐH Hồng Đức tuyển mới 60 chỉ tiêu ngành này. Nhưng thí sinh nên lưu ý, trường ĐH Hồng Đức chỉ tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ tỉnh Thừa Thiên-Huế trở ra.
Trường có mức điểm chuẩn đứng thứ nhì trong tốp này là ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Năm 2006, trường sẽ có 120 chỉ tiêu mới đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thông tin. Trong đó có một số chỉ tiêu nhất định được đào tạo theo hệ sư phạm kỹ thuật (còn lại đào tạo theo hệ kỹ sư công nghệ). Những sinh viên theo học hệ sư phạm kỹ thuật sẽ được hưởng chế độ ưu tiên về học phí. Điểm chuẩn năm 2005 của ngành này là 19 điểm.
ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh có 1.610 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó có ngành Công nghệ thông tin. Những thí sinh thi vào ngành Công nghệ thông tin của trường nếu không đỗ thì sẽ được nhà trường xét vào hệ cao đẳng nếu có nguyện vọng. Điểm chuẩn của bậc đại học năm 2005 là 17,5 điểm, còn hệ cao đẳng là 12 điểm.
ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh năm nay cũng dành 100 chỉ tiêu tuyển ngành Công nghệ thông tin. Điểm chuẩn năm 2005 là 17 điểm. Thí sinh dự thi vào ngành này nếu không đủ điểm, nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển sang ngành học khác cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu (đây là nhà trường tự điều chỉnh nên không tính là NV2) .
Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Thái Nguyên) đào tạo khá đầy đủ các chuyên ngành cơ bản về công nghệ thông tin: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông, Kỹ thuật máy tính, Điện tử viễn thông. Năm 2006, khoa này sẽ tuyển 350 chỉ tiêu cho tất cả các chuyên ngành. Khoa sẽ phân chuyên ngành (phân lớp) sau khi đã gọi thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký. Không có điểm chuẩn cho từng chuyên ngành mà chỉ có điểm chuẩn cho cả khoa. Mức điểm chuẩn năm 2005 là 17 điểm.
ĐH Vinh đào tạo trình độ kỹ sư ngành Công nghệ thông tin. Sau khi gọi thí sinh trúng tuyển nhà trường mới phân ngành theo nguyện vọng thí sinh đã đăng ký. Mức điểm chuẩn của ĐH Vinh năm 2005 là 17 điểm.
Năm nay những thí sinh muốn thi ngành Công nghệ thông tin có thêm một cơ hội dự thi vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đây là trường ĐH mới thành lập (trên cơ sở trường CĐ Công nghiệp Hà Nội) vào năm 2005. Đây là năm đầu tiên trường đào tạo trình độ đại học ngành Khoa học máy tính. Nhà trường sẽ phân chỉ tiêu các ngành sau khi đã gọi thí sinh vào trường. Năm ngoái trường chỉ đào tạo trình độ cao đẳng, tuy nhiên điểm chuẩn của Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (cũ) vẫn khá cao, chủ yếu nằm trong khoảng 17-19 điểm.
Trường ĐH Dân lập Thăng Long cũng có bốn chuyên ngành thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Ngoài ra thí sinh cũng có thể đăng ký vào những ngành có liên quan về Công nghệ thông tin như Toán-Tin ứng dụng, Mạng máy tính và viễn thông, Tin quản lý. Nhà trường chưa có chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng chuyên ngành. Điểm chuẩn năm 2005 của tất cả các chuyên ngành này đều là 16 điểm.
ĐH Dân lập Hải Phòng có đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Năm nay trường không tổ chức thi tuyển sinh mà chỉ xét tuyển những thí sinh dự thi khối A vào các trường đại học trên cả nước theo đề chung của Bộ GD-ĐT. Nếu thí sinh muốn đăng ký NV1 vào ngành này của ĐH Dân lập Hải Phòng thì phải đăng ký dự vào một trường ĐH khác, cùng thi khối A. Điểm chuẩn năm 2005 là 15,5 điểm.
ĐH Dân lập Lạc Hồng tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin cả khối A và D1. Nhà trường chưa phân chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành học. Điểm chuẩn năm 2005 là 15 điểm (khối A), và 14 điểm (khối B).
Đại học Dân lập Phương Đông có khá nhiều ngành về Công nghệ thông tin như: Công nghệ phần mềm, Quản trị mạng, An toàn thông tin, Công nghệ viễn thông, Công nghệ điện tử số. Tất cả các chuyên ngành này đều được xác định theo một điểm chuẩn của mã ngành Công nghệ thông tin. Mức điểm chuẩn năm 2005 là 15 điểm.
Viện Đại học Mở Hà Nội năm nay có tới 720 chỉ tiêu cho các ngành liên quan đến máy tính. Các ngành này được tuyển sinh theo hai nhóm ngành: Tin học (Tin học quản lý và Tin học ứng dụng) và Điện tử - Thông tin (Vô tuyến điện tử và Thông tin liên lạc). Mức điểm chuẩn của tất cả các ngành này năm 2005 đều là 15 điểm.
Trường ĐH Đà Lạt cũng đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Nhà trường chưa có chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, tuy nhiên sau khi trúng tuyển thí sinh sẽ được học theo ngành đã đăng ký. Điểm chuẩn năm 2005 là 15 điểm.
Ngoài ra thí sinh có thể tham khảo thêm tại các trường ĐH Dân lập Duy Tân, ĐH Dân lập Hùng Vương, Đại học Dân lập Ngoại ngữ Tin học TP Hồ Chí Minh, Đại học Dân lập Phú Xuân, Đại học Dân lập Lương Thế Vinh, Trường ĐH Dân lập Văn Lang, Đại học Dân lập YERSIN Đà Lạt. Mức điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin vào các trường này cũng thường "mấp mé" mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Năm câu hỏi về ngành CNTT
Sau đây là cuộc trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc - GĐ Trung tâm tin học (Bộ GD-ĐT) - giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và cũng là người quản lý Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để thí sinh có được cái nhìn khái quát về tuyển sinh ngành CNTT.
- Ngành Công nghệ thông tin và Tin học trong các trường đại học có phải là một hay không?
- Hiện nay, ở Việt Nam, các trường có nơi gọi là khoa Tin học, có nơi gọi là Khoa CNTT, nhưng về nội hàm thì không khác biệt. Các trường đại học kỹ thuật hệ 5 năm như ĐH Bách khoa thì bằng tốt nghiệp mang tên là "bằng kỹ sư". Các trường khác đào tạo hệ 4 năm như ĐH Công nghệ... thì bằng tốt nghiệp gọi là "bằng cử nhân".
- Phụ nữ có phù hợp với ngành CNTT không?
- Tôi đã đi nhiều nước và có một nhận xét là: Lập trình viên trên thế giới chủ yếu là nam giới. Trong khi đó, nữ thì lại rất giỏi về phân tích thiết kế hệ thống. Sửa lỗi phần mềm (tester) cũng là một công việc tương đối phù hợp với phụ nữ. Bởi vì công việc lập trình đòi hỏi sự cuốn hút, bất kể thời gian nên không phù hợp lắm với nữ.
- Học giỏi toán ở trường THPT có phải là một tiền đề quan trọng để lựa chọn ngành CNTT?
- Nhiều bộ môn trong lĩnh vực CNTT đòi hỏi người học phải có những hiểu biết về toán học. Trong thực tế thì nhiều người thành công trong lĩnh vực CNTT được đào tạo tốt về toán học. Tuy nhiên, cũng không thể nói rằng những người có kết quả học tập không tốt về môn Toán lại không có cơ hội thành đạt trong lĩnh vực CNTT. Bởi vì đây là một ngành kinh tế, nên có nhiều vị trí công việc và chuyên môn khác nhau. Có những công việc không đòi hỏi quá sâu về kỹ thuật.
- Cơ hội kiếm việc sau khi ra trường
- Tôi không nắm được chính xác tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp CNTT có việc làm là bao nhiêu, nhưng SV ngành CNTT hiện nay, nói chung đang thuộc diện đắt giá. Hiện nay đội ngũ kỹ sư và quản lý trình độ cao đang thiếu trầm trọng. Nếu bạn có kiến thức cơ bản tốt, khả năng giao tiếp về ngoại ngữ, nắm vững được một lĩnh vực thì sẽ có rất nhiều cơ hội sau khi ra trường. Hiện nay, các ngành khác đều có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng nhân sự để ứng dụng CNTT. Thí dụ, đối với ngành Xây dựng: Thiết kế chương trình (tạo ra các phần mềm chuyên dụng hoặc sử dụng các phần mềm như Autocad...). Đối với ngành Kinh tế, cần những người xây dựng các hệ thống thông tin quản lý kinh tế, kế toán...
Ngoài ra có thể đi xuất khẩu lao động, một số thị trường như Nhật cũng đang rất cần. Về chính sách, Nhà nước đang rất khuyến khích việc xuất khẩu lao động công nghệ cao bằng những nghị quyết như Nghị quyết 07 của Chính phủ, Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị.
- Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ
- Chỉ tiêu đào tạo CNTT chính quy hằng năm Nhà nước giao là 9.000. Đấy là chưa kể các loại hình đào tạo khác, như văn bằng 2 về CNTT, đào tạo liên thông, liên kết. Gần như các trường đạo tạo về khoa học kỹ thuật đều có ngành CNTT.