Tuyên Quang ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm

Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Tuyên Quang có 172 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp bộ được tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống cây keo phục vụ trồng rừng.
Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống cây keo phục vụ trồng rừng.

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2013-2023, tỉnh đã hỗ trợ 18 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng với tổng kinh phí gần năm tỷ đồng (theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HÐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang); có 19 doanh nghiệp chủ trì thực hiện 19 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 55 tỷ đồng.

Qua đó, hiệu ứng các dự án triển khai đã tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất cùng phát triển trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh có 292 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó, có hơn 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có bốn sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na Hang và bưởi Soi Hà (Yên Sơn)...

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị cũng được chú trọng đẩy mạnh với nhiều công trình, giải pháp có chất lượng. Ðến nay, đã có hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, sở, ngành thuộc tỉnh và các địa phương trong tỉnh có sáng kiến là những giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,... được UBND tỉnh quyết định công nhận sáng kiến có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng ở cấp tỉnh. Ngoài ra, các hoạt động sáng tạo khoa học-kỹ thuật cũng được phát huy đẩy mạnh thành phong trào, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên các trường đại học, dạy nghề, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Những năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; mời gọi, liên kết với 36 viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ, các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Ðội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm xây dựng cho nên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.

Tính đến năm 2022, tỉnh có hơn 17 nghìn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; có những đóng góp to lớn, thiết thực, hiệu quả vào hoạch định, triển khai quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển, các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng và tham gia tích cực vào hoạt động khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc thực hiện đề tài, dự án đã thu hút được hơn 1.500 lượt trí thức khoa học trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia thực hiện. Giai đoạn 2013-2023 đã có gần 3.000 lượt trí thức là các cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia 292 tiểu ban, hội đồng chuyên ngành tư vấn, đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện và đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về khoa học-công nghệ trên các lĩnh vực được tăng cường và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Ðến nay, tỉnh có 100% cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nguyễn Ðại Thành cho biết: Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ được xem là giải pháp then chốt, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.

Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang tổ chức xét tặng danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu". Qua xét chọn đã lựa chọn được 15 cá nhân là những "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu", có những cống hiến, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất.