Cách trung tâm huyện Hàm Yên gần 40km, hai thôn Khau Làng và Cao Đường, xã Yên Thuận được bao quanh bởi những dãy núi đá cao sừng sững, người dân sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Do địa hình hiểm trở, nhiều năm qua, người dân hai thôn này không có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt khiến tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm hơn 65%.
Từ khi có điện, cuộc sống của 140 hộ dân và các điểm trường trên địa bàn đã đổi khác. Anh Đặng Văn Thạch ở thôn Khau Làng phấn khởi: “Sau khi có điện thắp sáng, gia đình đã mua máy xay xát phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn, xóm không phải xuống tận xã để xay xát gạo, ngô; đồng thời cũng cải thiện được kinh tế cho gia đình”.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận Ma Văn Tiến cho biết, có điện lưới quốc gia, người dân hai thôn Khau Làng, Cao Đường được mở mang dân trí, có thêm kinh nghiệm làm ăn thông qua các chương trình truyền hình. Có điện, người dân đầu tư máy móc để làm dịch vụ, phục vụ chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới của xã. Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân cũng thuận lợi hơn.
Thài Khao cũng là thôn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã 135 Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Ðường đèo dốc đồi núi rất hiểm trở, địa bàn rộng, giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều năm qua, điện lưới quốc gia chưa thể về với bà con trong thôn. Khi công trình cấp điện về thôn Thài Khao được hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng là ngày vui chung của cả thôn. Công trình nằm trong dự án xây dựng 11.634m đường dây 35kV, ba trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, bảo đảm cung cấp điện cho 218 hộ dân dọc tuyến.
Theo ông Bàn Văn Cảnh, Trưởng thôn Thài Khao, thôn hiện có 80 hộ dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Dao di dân từ Hà Giang về từ năm 1990. Trước đây, khi chưa có điện, các hộ dân trong thôn phải sử dụng đèn dầu. Khoảng 10 năm trở lại đây, một số gia đình gần bờ suối có điều kiện lắp đặt máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tuy nhiên nguồn điện này chỉ đủ để thắp sáng và còn mất an toàn.
“Từ ngày có điện, bà con trong thôn đã có 20 hộ mua tủ lạnh, 50 hộ mua ti-vi để phục vụ sinh hoạt của gia đình. Được xem ti-vi, nghe đài nắm bắt thông tin thời sự, thông tin về sức khỏe, vệ sinh môi trường, các mô hình phát triển kinh tế để học hỏi thêm cách làm ăn…, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi”, ông Cảnh cho biết.
Không chỉ thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày, có điện lưới quốc gia, việc học tập của các em học sinh ở điểm trường Thài Khao cũng thuận lợi hơn. Thầy giáo Phạm Đức Quân chia sẻ, trước đây, việc dạy và học của thầy và trò nơi đây đều phải dựa vào ánh sáng tự nhiên. Những hôm trời mưa, nhất là vào mùa đông thì việc dạy và học rất vất vả vì thiếu ánh sáng. Bây giờ có điện rồi, tôi có thể sử dụng giáo án điện tử với những hình ảnh minh họa sinh động để dạy cho các em học sinh, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, từ năm 2021 đến nay, sở đã hoàn thành xây dựng và cấp điện cho 19 thôn, bản với tổng số hơn 1.400 hộ dân, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lên đến 99,7%. Năm 2023, Sở Công thương đang triển khai đầu tư xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ; thôn Khuôn Làn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa để cấp điện cho ba thôn, bản, trong đó có hai thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Anh Cương cho biết thêm: Giai đoạn 2013-2020, triển khai Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư hơn 950 tỷ đồng để đưa điện về thôn, bản. Chỉ trong hai năm 2018-2020, triển khai thực hiện Tiểu dự án do EU tài trợ, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho 41 thôn, bản thuộc 16 xã của năm huyện Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn.