Tuyên án các bị cáo trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại xã Đồng Tâm

NDO -

Chiều 14-9, sau thời gian nghị án, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bước vào phần tuyên án.

Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.
Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Theo đó, về tội danh Giết người: Hội đồng xét xử quyết định tuyên án hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức mức án tử hình. Cùng về tội danh này, bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên mức án chung thân; Bùi Viết Hiểu bị tuyên mức án từ 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến bị tuyên mức án 13 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển bị tuyên mức án 12 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo còn lại phạm tội Chống người thi hành công vụ, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.

Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nêu rõ, về tố tụng, các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, truy tố đúng người, đúng tội. Về hành vi của các bị cáo, tại phiên tòa, trong quá trình xét xử, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai tại tòa của các bị cáo đều phù hợp với tài liệu, chứng cứ, cáo trạng của vụ án, các bị cáo thừa nhận gây ra cái chết của ba chiến sĩ công an và gửi lời xin lỗi đến gia đình của ba chiến sĩ công an.

Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này, hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm. Khi lực lượng công an làm nhiệm vụ, các bị cáo hô hào, dùng vũ khí nguy hiểm, có sức sát thương cao để chống đối. Hành vi của các bị cáo mang tính chất dã man, gây hậu quả gây ra vô cùng lớn, gây tổn thất to lớn đối với lực lượng công an, gây cảnh chia lìa gia đình không gì bù đắp được.

Đánh giá mức độ, vị trí vai trò của các bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử cho biết, nhóm bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Tuyển, giữ vai trò cầm đầu, tích cực phạm tội, gây ra cái chết cho ba chiến sĩ công an nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Trong đó, riêng hai bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, mặc dù đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội nhưng cần thiết phải áp dụng hình phạt loại trừ vĩnh viễn ra khỏi xã hội để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Cũng theo Hội đồng xét xử, trong số các bị cáo trong vụ án, nhiều bị cáo là nông dân chất phác, thiếu hiểu biết pháp luật bị kích động, lôi kéo thực hiện hành vi phạm tội. Việc thay đổi tội danh cho 19 bị cáo trong vụ án từ tội Giết người sang Chống người thi hành công vụ đã thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật.