Tưởng niệm 15 năm trận sóng thần Ấn Độ Dương

NDO -

NDĐT- Nhiều cộng đồng ở châu Á ngày 26-12 đã cùng nhau tưởng niệm hơn 230 nghìn nạn nhân của trận sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ Dương xảy ra cách đây 15 năm, quét qua nhiều khu vực ven biển rộng lớn ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và chín quốc gia khác.

Người dân Aceh tưởng niệm những người thiệt mạng trong trận sóng thần 2004 tại nghĩa trang tỉnh Aceh ngày 25-12 (Ảnh: JakartaPost)
Người dân Aceh tưởng niệm những người thiệt mạng trong trận sóng thần 2004 tại nghĩa trang tỉnh Aceh ngày 25-12 (Ảnh: JakartaPost)

Buổi sáng sau ngày Giáng sinh năm 2004, khi mọi người đang thư giãn thảnh thơi bên bãi biển trong dịp nghỉ lễ, một trận động đất có độ lớn 9,1 đã rung chuyển dữ dội hòn đảo Sumatra, Indonesia và tạo ra một cơn sóng thần cao tới 17,4m, cuốn phăng mọi thứ mà nó đi qua ở các khu vực ven bờ Ấn Độ Dương.

Cô Suwannee Maliwan, 28 tuổi, người đã mất cả bố mẹ và năm người họ hàng khi trận sóng thần hung dữ đổ ập vào tỉnh Phang Nga, Thái Lan chia sẻ rằng cô vẫn bị ám ảnh bởi trận sóng thần cách đây 15 năm.

Cô kể, “Đôi lúc tôi mơ thấy con sóng dữ đang kéo đến. Tôi vẫn sợ hãi. Nhiều lúc tôi muốn đến một nơi nào khác nhưng không thể bởi tôi sinh ra ở đây, bố và mẹ tôi cũng qua đời ở nơi đây”.

Tưởng niệm 15 năm trận sóng thần Ấn Độ Dương ảnh 1

Các tòa nhà chìm trong nước gần bến tàu tại vịnh Ton Sai ở đảo Phi Phi của Thái Lan, ngày 28-12-2004, hai ngày sau cơn sóng thần ập vào (Ảnh: REUTERS)

Tại Thái Lan, hơn 5.300 người thiệt mạng, trong đó có nhiều khách du lịch đang trong kỳ nghỉ lễ ở các hòn đảo nghỉ dưỡng trên biển Andaman. Trong ngày hôm nay, quốc gia này cũng tổ chức các lễ tưởng niệm những người xấu số của thảm họa cách đây 15 năm, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và ứng phó với các thảm họa.

Thứ trưởng Nội vụ Thái Lan Nipon Bunyamanee phát biểu tại lễ tưởng niệm: “Chính phủ muốn dỡ bỏ các tiêu chuẩn an toàn … và xây dựng sự nhận thức ở tất cả các lĩnh vực để ứng phó và bảo vệ người dân trước các thảm họa”.

Trong tối nay, những người còn sống sót tại Ban Nam Khem, ngôi làng bị thiệt hại nặng nề nhất ở Thái Lan sẽ thắp nến tưởng niệm ít nhất 1.400 người thiệt mạng trong cơn sóng dữ quét qua ngôi làng cách đây 15 năm.

Người dân ở các quốc gia Ấn Độ và Sri Lanka ngày hôm nay cũng tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của trận sóng thần năm 2004 với hơn 10 nghìn người chết ở Ấn Độ và hơn 35 nghìn người chết tại Sri Lanka.

Hàn gắn vết thương cũ

Tưởng niệm những người thiệt mạng, suy ngẫm về quá khứ để trân trọng cho tương lai là những điều mà người dân ở tỉnh Banda Aceh, Indonesia cùng nhau thực hiện trong ngày hôm nay. Trận động đất có độ lớn 9,1 và những con sóng thần cao gần 10m đã san phẳng toàn bộ các ngôi làng và cướp đi sinh mạng của hơn 170 nghìn người ở Indonesia, mà Aceh là một trong những nơi chịu thảm họa động đất và sóng thần nặng nề nhất. 15 năm trôi qua, Aceh đã hồi sinh, cuộc sống đã được tái thiết phần lớn với khoảng 25.600 công trình nhà dân, thương mại, trường học và chính quyền ở ngay khu vực nguy hiểm nhất, bị phá hủy hoàn toàn hồi năm 2004.

Trong ngày hôm nay, hàng nghìn người cùng nhau tập trung tại bảo tàng tưởng niệm sóng thần ở Banda Aceh để cùng nhau tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa kinh hoàng.

Tưởng niệm 15 năm trận sóng thần Ấn Độ Dương ảnh 2

Các cựu lãnh đạo phiến quân từ GAM, hiện là quan chức chính phủ, thả chim bồ câu trong buổi lễ kỷ niệm 10 năm thỏa thuận hòa bình Helsinki giữa nhóm phiến quân và chính phủ Indonesia tại nhà thờ Hồi giáo Banda Aceh's Baiturrahman nằm ngày 15-8-2015. Trong gần 30 năm xung đột giữa phiến quân và lực lượng chính phủ Indonesia, khoảng 15 nghìn người thiệt mạng. Trận sóng thần năm 2004 cuối cùng đã thuyết phục GAM và chính quyền Jakarta đạt được thỏa thuận hòa bình vào tháng 8-15-2005 tại Helsinki, Phần Lan (Ảnh: CNA)

Đối với người dân Indonesia, thảm họa năm đó dù tang thương nhưng cũng giúp hàn gắn những vết thương cũ dai dẳng. Tám tháng sau trận sóng thần, Phong trào Tự do Aceh (GAM) của các lực lượng ly khai Aceh và chính phủ Indonesia đã thống nhất chấm dứt gần 30 năm đối đầu bằng một hiệp định hòa bình, trao quyền tự trị cho Aceh. Vào ngày 27-12-2005, các thủ lĩnh của GAM đã tuyên bố từ bỏ lực lượng quân sự.

Từng là một tay súng của GAM, anh Hanafish nói rằng anh không rõ điều nào khó khăn khăn hơn giữa việc chết dưới làn đạn và mất đi bố mẹ trong trận sóng thần. Nhưng có một điều anh chắc chắn được, đó là trận sóng thần năm đó đã thực sự mang lại hòa bình cho Aceh và hiện giờ cuộc sống đã tốt đẹp hơn.

Anh Bahri, trải qua trận sóng thần 2004 cũng cảm nhận điều tương tự như Hanafish, anh nói rằng, so với giai đoạn trước khi thảm họa xảy ra, Aceh hiện nay đã hiện đại hơn nhiều bởi khi đó, không có sự phát triển thực sự ở vùng đất luôn xảy ra đối đầu giữa các phe phái.