Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên

NDO -

NDĐT - Từ sau ngày thành lập nước đến nay, có lẽ cho đến giờ, chỉ có hai địa điểm nổi tiếng ở Tây Bắc là nơi các dân tộc anh em vẫn thường xuyên duy trì dịp lễ hội ăn mừng Quốc khánh 2-9 được bà con gọi là Tết Độc lập của đồng bào Mông.

Các thiếu nữ Mông xanh với chiếc khăn đội đầu gọn ghẽ và khèn, nhạc cụ để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ đêm khai mạc
Các thiếu nữ Mông xanh với chiếc khăn đội đầu gọn ghẽ và khèn, nhạc cụ để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ đêm khai mạc

Đó là thị trấn Mộc Châu (Sơn La), thủ phủ của châu Mộc ngày xưa và thị trấn Than Uyên (Lai Châu), thủ phủ của châu Than Uyên ngày trước. Thủ phủ của huyện Than Uyên xưa còn gọi là Mường Than, nổi tiếng là một trong “tứ đại Mường” lớn nhất Tây Bắc: Nhất Thanh (cánh đồng mường Thanh, Điện Biên), nhì Lò (mường Lò, Nghĩa Lộ), tam Than (mường Than, Than Uyên) và tứ Tấc (mường Tấc, Sơn La).

Năm ngoái, Tết Độc lập của Than Uyên được chính quyền và nhân dân huyện Than Uyên chính thức tổ chức lại và đặt tên là Ngày hội văn hóa – thể thao dân tộc Mông huyện Than Uyên lần thứ nhất 2012. Năm nay, Tết Độc lập đã có truyền thống này bước sang năm thứ hai, mở rộng ra thành Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc Than Uyên diễn trong hai ngày 1 và 2- 9, quy tụ 10 dân tộc anh em chủ yếu là người Thái, Kinh, Mông, Dao, Khơ Mú…

Từ sáng sớm 1- 9, hàng trăm thanh niên từ các làng bản xa xôi thuộc các xã Pha Mu, Mường Mít, Phúc Than, Mường Than, Mường Cang, Hua Nà, Tà Hừa, Ta Gia, Tà Mung, Mường Kim, Khoen On và thị trấn Than Uyên kéo về sân vận động trung tâm thị trấn để tham gia các trò chơi đặc sắc của các dân tộc Thái, Mông như: kéo co, đánh tù lu (đánh quay), đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ (ném hạt quả “má lẹ”)…

Chúng tôi kịp ghi lại một vài hình ảnh về những cuộc thi đấu thể thao dân gian đầy hứng khởi này.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 1

Các thiếu nữ Mông, Thái, Dao, duyên dáng trong bộ áo dân tộc, nhưng rất mạnh mẽ khi giương nỏ bắn về đích, đặt cách xa 20m trong cuộc thi bắn nỏ nữ. Thiếu nữ người Thái này tên là Hà Thị Trện, là “nỗ thủ” bắn nỏ của xã Khoen On.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 2

Một trong những công đoạn kỳ khu nhất của nghệ thuật bắn nỏ là việc làm đuôi mũi tên. Nếu đuôi tên làm không chuẩn, tên vót không thẳng, thì dù nỏ cứng đến mấy, cũng sẽ chỉ đưa mũi tên đi tìm… hươu. Trong ảnh, là đuôi mũi tên làm theo kiểu truyền thống của người Mông bằng lạt tre, gấp lại hình thoi rồi buộc chặt lại.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 3

Còn đây là đuôi tên làm theo kiểu “hiện đại” của người Thái, cắt ra từ vỏ lon đồ uống, thậm chí cả vỏ tuýp thuốc đánh răng.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 4

Ở một góc khác sân vận động, có một trò chơi duyên dáng, nhẹ nhàng hơn, để đua tinh khéo của riêng các chị em người Thái. Đó là trò “tó má lẹ”, tạm dịch là ném hạt quả má lẹ.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 5

Có nhiều cách chơi “tó má lẹ”. Có thể để hạt má lẹ trên mu bàn chân, đi hai ba bước rồi hất chân ra, cho hạt má lẹ văng trúng những hạt để trên vạch, hoặc để hạt má lẹ trên đùi rồi bật ngón tay trỏ đẩy hạt nọ trúng vào hạt kia.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 6

Đánh tù lu (đánh quay) là trò chơi mạnh mẽ và yêu cầu chuẩn xác của thanh niên Mông khắp vùng Tây Bắc. Để chơi trò này phải có hai người. Một người thả quay trong vòng vôi từ 3m, 6m đến 9m. Một người khác cầm quay văng ra đánh cho trúng con quay đang quay trong từng vòng.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 7

Trong khi các chàng đánh quay, thì các thiếu nữ Mông hoa xúng xính vòng cổ, khăn đội đầu chờ đón người thắng trận.

Tưng bừng ngày hội văn hóa mừng Tết Độc lập ở Than Uyên ảnh 8

Nụ cười đắm đuối này sẽ là phần thưởng lớn nhất cho chàng thanh niên Mông nào chiến thắng.