Kỳ vọng vào sự phục hồi vượt bậc
Theo Dragon Trail, một tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường khách Trung Quốc, Tuần lễ vàng được xem là cột mốc quan trọng trong quá trình phục hồi thị trường outbound (khách đi nước ngoài) của nước này.
"Chúng tôi kỳ vọng Tuần lễ vàng tháng 10 này sẽ đạt thành tích cao nhất tính từ khi đất nước mở cửa biên giới trở lại", Dragon Trail chia sẻ trong báo cáo.
Theo Dragon Trail, 40% trong tổng số người được khảo sát có kế hoạch đi du lịch vào tháng 10, cho thấy đông đảo người dân có nhu cầu du lịch nước ngoài vào khoảng thời gian trên.
Đồng tình với nhận định trên, Công ty phân tích dữ liệu hàng không và du lịch ForwardKeys cho biết, lượng vé máy bay quốc tế mà người dân Trung Quốc đã mua đợt Tuần lễ Vàng đạt mức 85% so với cùng kỳ trước dịch Covid-19. Con số này cũng tăng tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Không giống như đợt lượng khách tăng đột biến đầu năm 2023 do trùng Tết Trung thu, nhu cầu du lịch Tuần lễ vàng năm nay được phân bổ đều trong cả tuần.
Các chuyên gia trong ngành vô cùng mong đợi về sự phục hồi này. Du khách Trung Quốc hiện đang mong chờ vào những chuyến khám phá đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, đặc biệt tập trung vào những trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa.
Dù lượng khách lựa chọn du lịch nước ngoài của quốc gia này chưa nhiều như trước dịch Covid-19, song trên thực tế, sự tăng trưởng được phản ánh rất rõ ràng.
Chỉ trong tháng 8 năm nay, 16% số người tham gia khảo sát của Dragon Trail cho biết, họ đã đi du lịch nước ngoài, tăng đáng kể so năm trước. Ấn tượng hơn, 60% trong số những du khách này đã thực hiện ít nhất hai chuyến đi nước ngoài.
Mối lo ngại về an toàn, một yếu tố ngăn cản hoạt động du lịch đáng kể sau đại dịch, đã ổn định. Khách du lịch Trung Quốc hiện cảm thấy an toàn hơn khi ghé thăm các điểm đến trên nhiều khu vực toàn cầu, trong đó châu Âu và Đông Nam Á là những lựa chọn hàng đầu.
Ưu tiên những trải nghiệm du lịch thú vị
Xu hướng du lịch của người Trung Quốc đã thay đổi. Ngày nay, du khách không còn hài lòng với các chuyến tham quan thông thường. Theo đó, 70% trong tổng số những người tham gia khảo sát của Dragon Trail cho hay, họ đã tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao trong chuyến đi.
Có thể kể đến các trải nghiệm như: tham quan bảo tàng, xem trình diễn opera ở châu Âu và lễ hội pháo hoa ở Nhật Bản. Các phân khúc ngách như du thuyền và tour tự lái ngày càng phổ biến, hướng đến cách tiếp cận theo cá nhân hóa và phù hợp hơn với từng đối tượng khách hàng.
Thế vận hội Olympic Paris gần đây cũng cho thấy sự thay đổi trong sở thích khi du khách Trung Quốc chọn tham dự các sự kiện toàn cầu và những trải nghiệm mang tính biểu tượng ở nước ngoài hơn trước.
Những xu hướng này cho thấy, hiện nay, khách du lịch Trung Quốc ưu tiên các hoạt động và trải nghiệm độc đáo hơn là chỉ lựa chọn một điểm đến. Bên cạnh đó, người Trung Quốc thường có ý thức tiết kiệm về ngân sách nhưng họ cũng sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm chất lượng.
Hiện nay, khách du lịch Trung Quốc ưu tiên các hoạt động và trải nghiệm độc đáo hơn là chỉ lựa chọn một điểm đến. |
Một trong những đặc điểm của khách du lịch từ Trung Quốc là luôn có chiến lược chi tiêu. Hầu hết, mọi người thường kế hoạch sẽ chi khoảng 1.400-4.200 USD cho mỗi chuyến đi và phân bổ ngân sách theo từng mục tiêu một cách cẩn thận.
Họ sẵn sàng chi một số tiền đáng kể để được trải nghiệm ẩm thực địa phương, tiếp đến là các hoạt động văn hóa, giải trí. Du khách cũng háo hức tham gia các sự kiện và hoạt động tại địa phương mình đến.
Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi, giảm giá vẫn có sức hút với khách Trung, đặc biệt là các voucher đặt phòng, du thuyền. Sự kết hợp giữa ý thức tiết kiệm và sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm quan trọng đã định hình nên du khách Trung Quốc ngày nay.
Một xu hướng khác nổi lên sau đợt dịch Covid-19 của nhóm đối tượng này là lập kế hoạch du lịch trong khoảng thời gian ngắn.
Khoảng 64,7% số người được hỏi chia sẻ, họ lập kế hoạch cho chuyến đi trong vòng hai tháng trước khi khởi hành. Các chuyến đi thường kéo dài từ 4-7 ngày. Điều này phản ánh du khách cần cân bằng giữa tính linh hoạt với việc quản lý chi phí.
Về nền tảng đặt phòng, các công ty du lịch trực tuyến của Trung Quốc như Ctrip và Qunar cùng với các nền tảng truyền thông xã hội là Xiaohongshu và WeChat tiếp tục giành được thị phần lớn. Các kênh này cung cấp cho du khách sự tiện lợi và nội dung đa dạng do người dùng mang lại. Từ đó, đem đến sự tin cậy đối với những du khách đang có nhu cầu du lịch.