Tư vấn pháp luật giải quyết khiếu nại và làm tốt hòa giải từ cơ sở

Hội Luật gia Việt Nam vừa sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ và quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị, qua đó tiếp tục tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, quyết tâm xây dựng Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị và sơ kết giữa nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội Luật gia Việt Nam. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị và sơ kết giữa nhiệm kỳ 2019-2024 của Hội Luật gia Việt Nam. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ khóa XIII, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cho biết: Công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tổ chức Hội phát triển đúng hướng, trở thành một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của những người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả, thực chất, góp phần tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở, thông qua các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hướng về cơ sở, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các đối tượng là phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng,...

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả, thực chất, góp phần tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội thành lập mới và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 128 trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; tư vấn và trợ giúp pháp luật hơn 396.000 vụ việc; tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại hơn 42.300 vụ việc và tham gia hòa giải thành công hơn 90.200 vụ việc, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Nội dung quan trọng khác là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được đẩy mạnh, chất lượng được nâng cao, góp phần tích cực vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội đã tham gia ý kiến 64 dự thảo văn bản luật; tổ chức gần 2.000 hội nghị, tọa đàm; tham gia rà soát, thẩm định hơn 23.700 văn bản; đóng góp hơn 32.500 ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước về công tác này; trong đó nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, để phấn đấu đạt mục tiêu và các nhiệm vụ mà Đại hội khóa XIII đã đề ra, các cấp hội và toàn thể hội viên đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trung ương Hội và các cấp hội kịp thời chuyển đổi hình thức và phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng tình hình dịch bệnh. Hội cũng chủ động đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ để Hội thực hiện, tăng cường công tác phối hợp các bộ, ngành để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tới các cấp Hội.

Qua lắng nghe báo cáo của lãnh đạo Hội và ý kiến tham luận của đại diện Hội, chi hội luật gia ở nhiều địa phương, cơ sở, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức tốt việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

“Trước mắt cần tập trung làm tốt việc tham gia ý kiến về xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tổng kết Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại; rà soát, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng...”, đồng chí nêu rõ.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã thành lập mới được 56 Hội Luật gia quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các chi hội luật gia trực thuộc tỉnh, thành hội.

Về thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Hội Luật gia phối hợp Ban Nội chính Trung ương cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, hòa giải ở cơ sở. Tăng cường phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài ở địa phương.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã thành lập mới được 56 Hội Luật gia quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các chi hội luật gia trực thuộc tỉnh, thành hội.

Chất lượng, tiêu chuẩn hội viên ngày càng được nâng cao, hội viên có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, nhiều hội viên giữ cương vị lãnh đạo ở các cấp, tham gia nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp Hội kết nạp mới hơn 7.200 hội viên, đạt 105,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

(Theo báo cáo của Phó Chủ tịch Hội Trần Công Phàn)