Năm học 2023-2024 là năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông. Trong đó, ngoài môn bắt buộc gồm ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương, thì học sinh sẽ phải chọn bốn môn học trong chín môn lựa chọn.
Các môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều khiến phụ huynh rất lo lắng là việc lựa chọn môn học lớp 10 gắn liền với việc chọn ngành, chọn nghề sau này cho con, nhất là khi xu hướng nghề nghiệp có nhiều sự thay đổi trong thời gian ba năm học phổ thông.
Hơn nữa, các em học sinh mới 15 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, nên hầu hết các em chưa thể xác định rõ thế mạnh của mình thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội.
Nhiều phụ huynh thắc mắc, nếu đã đăng ký các môn lựa chọn rồi, nhưng sau này con mới phát hiện mình không phù hợp với định hướng ban đầu thì việc chuyển đổi có được phép không, có gặp khó khăn gì không. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở-trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) thừa nhận, năm học 2022-2023, năm đầu tiên triển khai chương trình lớp 10 mới, cũng có học sinh có nguyện vọng muốn chuyển tổ hợp môn học.
"Việc các em đưa ra quyết định chọn tổ hợp môn gắn bó suốt ba năm trung học phổ thông không phải là điều dễ dàng. Các em phải căn cứ vào nhiều yếu tố như năng lực, sở trường, ý thích cá nhân, thế mạnh của trường... Để học sinh hiểu rõ hơn về môn học tự chọn có phù hợp với các em hay không, chúng tôi cho học sinh học thử một tháng trước khi chính thức chốt môn học tự chọn ở lớp 10", thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết cách thức mà trường này áp dụng để giúp phụ huynh, học sinh giải tỏa băn khoăn.
Trong năm học vừa qua, có không ít học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn tự chọn ngay khi kết thúc học kỳ I năm lớp 10, nhưng do cần chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho nên phải đến hết năm học, học sinh nào có nhu cầu chuyển đổi thì nhà trường căn cứ vào điều kiện của mình bố trí cho học sinh học phụ đạo, bổ sung kịp kiến thức môn học cần chuyển sang thì mới có thể giải quyết được. Điều này gây khó khăn cho cả học sinh và giáo viên.
Trước thực tế này, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, để hạn chế tình trạng học sinh phải chuyển đổi môn lựa chọn, nhà trường cần tư vấn kỹ lưỡng cũng như có sắp xếp hợp lý.
Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, năm học trước là năm đầu tiên triển khai việc học sinh được quyền lựa chọn môn học ở lớp 10 nên cả nhà trường và phụ huynh, học sinh có những lúng túng nhất định, nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố môn Lịch sử là môn học bắt buộc vào tháng 8, khi học sinh đã đăng ký môn học xong, khiến việc lựa chọn môn học phải thực hiện lại.
Tuy nhiên, trong năm học này, với kinh nghiệm sau một năm triển khai và chương trình học ổn định, nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học từ sớm. Trường trung học phổ thông Việt Đức đã công khai các tổ hợp môn học sẽ được tổ chức dạy tại trường trong năm học tới.
Năm học tới, nhà trường đều xây dựng tổ hợp dựa trên năng lực đáp ứng của nhà trường, đồng thời nghiên cứu kỹ các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong việc dự tuyển đại học sau khi tốt nghiệp. Trường trung học phổ thông Việt Đức xây dựng 10 tổ hợp, tăng 3 tổ hợp so với năm học 2022-2023.
Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, để chọn tổ hợp môn học phù hợp, trước hết cần dựa trên mong muốn, định hướng của học sinh. Tuy nhiên, để có thêm kiến thức và rộng cửa hơn trong xét tuyển đại học sau này, học sinh nên kết hợp cả môn tự nhiên và xã hội. Khi thi tốt nghiệp, các em được chọn thi hai trong số bốn môn tự chọn chứ không bắt buộc phải thi cả bốn môn, cho nên nếu có một môn nào đó học không tốt thì cũng không bị áp lực. Việc lựa chọn này giúp thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp xét tuyển đại học hơn.