Từ Trà Cổ rừng dương…

Biển Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) nằm ở cực đông bắc của đất nước, là một trong những bãi biển đẹp và thơ mộng nhất Việt Nam, với bãi tắm trải dài cát trắng, in bóng rừng dương xanh. Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa..., câu thơ Tố Hữu năm nào vẫn gợi lên bao cảm xúc cho những ai được một lần đặt chân đến đây.

Du khách thăm mũi Sa Vĩ tại Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh).
Du khách thăm mũi Sa Vĩ tại Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh).

Chỉ cần ra khỏi thành phố Móng Cái sầm uất và náo nhiệt chưa tới 10 km, du khách đã có thể cảm nhận một không gian hoàn toàn khác biệt của Trà Cổ hoang sơ, yên bình. Xe cộ bon bon trên đường nhựa thẳng tắp, với một bên là những nếp nhà nhỏ xinh của xóm làng vùng biên, một bên là bờ biển lộng gió, ru hàng dương xõa tóc rì rào. Trên cung đường này, có ít nhất hai điểm dừng chân thú vị mà du khách ít khi bỏ qua: đình Trà Cổ và nhà thờ Trà Cổ. Nằm ở khu vực biên giới, nhưng đình Trà Cổ gần 600 năm tuổi gây ấn tượng bởi kiến trúc thuần Việt và những đặc điểm kiến trúc đặc trưng của các đình làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, với mái lợp ngói mũi hài vút cong, khung nhà gỗ năm gian hai chái, hình chạm trổ rồng phượng, hoa sen... Trải qua nhiều lần trùng tu, đình Trà Cổ vẫn mang đậm nét cổ kính và còn nhiều hiện vật nguyên bản quý giá. Dân gian nơi đây vẫn lưu truyền câu nói “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” gắn liền với nguồn gốc mái đình, làng biển nơi này (xuất xứ cư dân nơi đây chủ yếu từ dân Đồ Sơn, Hải Phòng đi khai hoang, mở đất, lập làng). Được biết, cứ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 Âm lịch hằng năm, lễ hội đình Trà Cổ lại thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự, trở thành một ngày hội văn hóa đặc sắc của vùng biển đông bắc. Tiếp nữa, cách đó không xa là nhà thờ Trà Cổ, được xây dựng từ thế kỷ 19, kiến trúc đẹp mắt, đồ sộ, rêu phong in dấu thời gian trên những mảng tường trắng xám. Nhà thờ còn lưu giữ hàng trăm bức phù điêu tinh xảo và một quả chuông gần trăm tuổi.

Đi qua những cơn gió mang vị mặn mòi của biển, qua những công trình kiến trúc cổ kính, du khách sẽ đến với mũi Sa Vĩ, điểm cực đông bắc thiêng liêng của Tổ quốc, nơi bắt đầu đường bờ biển dài hơn 3.000 km của nước ta. Gọi Sa Vĩ, bởi vì mỗi khi thủy triều xuống, nơi đây nổi lên một doi cát dài uốn lượn, được ví von như đuôi rồng. Còn khi nước dâng lên, nơi cắm cột mốc phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc lại trở thành hòn đảo nhỏ cách bờ cả trăm mét. Điểm cuối cùng của con đường có một tấm biển vành đai biên giới, phía sau đã là trời xanh mênh mông và đại dương xa ngút tầm mắt. Bãi vắng, người thưa, hàng phi lao du dương trong tiếng sóng biển và gần đó là những con thuyền nhỏ neo đậu bình yên. Các tốp du khách đều tranh thủ lưu lại hình ảnh tự hào nơi địa đầu Tổ quốc bên bức phù điêu hình lá dương, ghi câu thơ nổi tiếng: Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mau rừng đước… và cột mốc “Từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3.260 km”. Giữa không gian khoáng đạt, bao la, con người trở nên thật bé nhỏ, nhưng lại cảm thấy khoảng cách giữa hai đầu đất nước trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc, những cảm xúc thiêng liêng nhất trong mỗi người khiến mũi Sa Vĩ, Trà Cổ càng thêm đẹp đẽ. Ở đây chưa có nhiều dịch vụ du lịch, nổi bật lên là khu công trình Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, khánh thành cuối năm 2013. Được thiết kế theo hình những chiếc lá dương biển độc đáo, khu nhà là điểm dừng chân nghỉ ngơi, giải khát, ngắm mũi Sa Vĩ và vùng biển chung quanh từ trên cao. Đây cũng là điểm tổ chức trưng bày một số tranh, ảnh, tư liệu thể hiện văn hóa các vùng miền Việt Nam cho du khách chiêm ngưỡng.

Hãy đến với Trà Cổ, để tận mắt ngắm nhìn biển trời cực đông bắc, nơi có cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nghe rừng dương hát trong sự dân dã, trong lành của một vùng du lịch nhiều tiềm năng.