Từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương

Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, tỉnh Bình Dương ngày càng lan tỏa nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất, chất lượng. Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều mô hình còn góp phần chuyển giao kỹ thuật, tạo chuỗi vệ tinh sản xuất, xây dựng và phát triển thị trường, giúp đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái do Unifarm đầu tư ở Bình Dương.
Thu hoạch dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái do Unifarm đầu tư ở Bình Dương.

Hơn 13 năm đi vào hoạt động, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái do Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), thuộc U&I Group, đầu tư đã phủ xanh toàn bộ diện tích với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho nông dân.

Đặc biệt, hai mô hình chủ yếu tại khu nông nghiệp này là trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính cho doanh thu hơn hai tỷ đồng/ha/năm và mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm. Từ việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng, dưa lưới và chuối của công ty đang có mặt tại tất cả các hệ thống bán lẻ trong nước. Sản phẩm dưa lưới của Unifarm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018, các sản phẩm chuối được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản... Với kết quả đạt được, Unifarm đã mở rộng một dự án trồng chuối xuất khẩu khác có quy mô hơn 1.300ha tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Tổng Giám đốc Unifarm, Phạm Quốc Liêm cho biết: Unifarm đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho những nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại vài nghìn héc-ta tại Việt Nam. Hiện đã có gần 30 cá nhân, đơn vị, các trang trại cùng liên kết hợp tác với Unifarm.

Cũng tại huyện Phú Giáo, trang trại 200ha của Công ty cổ phần Vinamit đi tiên phong theo tiêu chuẩn organic (nông nghiệp hữu cơ). Hiện sản phẩm của Vinamit với các loại rau, củ, quả tiêu thụ rất mạnh ở thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Sản phẩm của Vinamit đã đạt Chứng chỉ theo tiêu chuẩn Organic USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic EU (Liên minh châu Âu) chứng nhận thực phẩm hữu cơ cao nhất hiện nay về thực phẩm sạch, chế biến sạch và môi trường trồng sạch từ năm 2016.

Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng khoa học-công nghệ đã giúp lĩnh vực chăn nuôi ở Bình Dương phát triển tích cực. Đơn cử như Khu chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương ở huyện Phú Giáo đã ứng dụng công nghệ cao của châu Âu để nuôi 1.500 con bò sữa cao sản với đàn bò giống chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi bò sữa tiên tiến như Thái Lan, Australia và New Zealand.

Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có chính sách cho vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mức ưu đãi khoảng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách sát thực tiễn đã giúp nông nghiệp phát triển. Đến nay, tỉnh có diện tích trồng trọt khoảng 6.370ha, khoảng 189 trang trại chăn nuôi gà, vịt và 251 trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi, tỉnh đã kêu gọi thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển.

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã xây dựng được bốn khu nông nghiệp công nghệ cao có quy mô rất lớn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết: Cùng với việc hoạt động hiệu quả, các khu nông nghiệp công nghệ cao này còn giữ vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và phát triển thị trường, giúp các trang trại và nông hộ chung quanh trở thành các vệ tinh sản xuất theo kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu của khu theo cách mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm thành công.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trước hết tập trung thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, giúp hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh. Đây là những giải pháp quan trọng để nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương phát triển căn cơ và bền vững.