"Tự hào vì tôi là quân nhân"

NDO -

Tình nguyện nhập ngũ, cố gắng rèn luyện trong môi trường kỷ luật đầy khắc nghiệt và giây phút thiêng liêng đứng trước quân kỳ đọc lời thề danh dự, những thanh niên vừa xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ đã nỗ lực để hiện thực hoá ước mơ trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ. Để rồi sau này khi rời quân ngũ, họ sẽ luôn tự hào vì những năm tháng được rèn luyện trong môi trường quân đội,  trưởng thành hơn, tự tin hơn, sống có trách nhiệm vì xã hội và đất nước.

Chiến sĩ trẻ tuyên thệ dưới quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiến sĩ trẻ tuyên thệ dưới quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chạm tới ước mơ

Chúng tôi có mặt tại Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh) vào một buổi chiều mùa hè nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời lên tới chừng gần 40 độ C. Giữa cái nóng “như thiêu như đốt”, dưới tán cây, 16 chiến sĩ mới đang được huấn luyện thể lực. Trên những khuôn mặt còn rất trẻ nhưng bắt đầu sạm nắng, những cánh tay đen giòn, từng giọt mồ hôi chảy liên tục, ướt sũng chiếc áo bộ đội.

Ở hàng cuối, chàng trai có thân hình cao lớn, khuôn mặt lanh lợi, đầy tự tin thu hút ánh nhìn của chúng tôi. Thiếu tá Lê Duy Thái, Chính trị viên Đại đội Trinh sát nhanh chóng giới thiệu: “Đây chính là công dân đầu tiên và duy nhất của đảo Trần tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ”.

Chàng thanh niên ấy tên là Hoàng Trung Phong (SN 2002), là con của anh Hoàng Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng thôn Đảo Trần (gia đình chị Cảnh là hộ dân đầu tiên sinh sống trên đảo Trần). Không sinh ra trên đảo nhưng gắn bó với đảo Trần từ những ngày còn nhỏ, học hết tiểu học, Phong vào huyện Hải Hà học Trung học. Sau khi tốt nghiệp THPT, không thi đại học, Phong lặng lẽ viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

“Những ngày em còn nhỏ sinh sống trên đảo, không có bạn bè, chỉ có các chú bộ đội, vừa là chú, là anh, là bạn. Các chú giúp bố mẹ em làm nhà, thường xuyên qua trò chuyện, động viên gia đình em, chỉ bảo cho em nhiều điều, đặc biệt là kể cho em nghe những câu chuyện trong quân ngũ. Đối với em, những chú bộ đội ngày đó chính là thần tượng. Thế rồi, suốt những năm tháng tuổi thơ, em cứ ước sau này mình cũng sẽ được làm chú Bộ đội Cụ Hồ”-  Phong chia sẻ.

Ước mơ ấy chính là động lực thôi thúc Phong để em phấn đấu, rèn luyện và tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Phong cho biết, được rèn luyện trong môi trường quân đội tuy vất vả nhưng được trải nghiệm cuộc sống rất mới, rất kỷ luật, em thấy mình trưởng thành hơn từ khi được phân về Trung đoàn 244. Bây giờ, em đã chính thức trở thành quân nhân và chuyển về Đại đội trinh sát. 

Cũng giống như Phong, hai anh em sinh đôi Bùi Mạnh Hùng và Bùi Mạnh Dũng ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả đã cùng nhau tình nguyện nhập ngũ khiến nhiều người trân trọng. Bởi theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, trong gia đình có hai anh em trai, chỉ cần một người nhập ngũ, thế nhưng Hùng và Dũng vẫn quyết tâm cùng nhau vào quân đội.

"Tự hào vì tôi là quân nhân" ảnh 1
 

Hai anh em bộc bạch: “Từ khi còn rất nhỏ, hình ảnh những chú bộ đội với bộ quân phục xanh đã luôn mê hoặc cả hai. Thế nên, đến đợt tuyển quân năm nay, cả hai đã quyết định đăng ký ngay. Ở nhà, trước đây ngoài việc học chúng em còn giúp bố công việc ở xưởng nội thất. Bây giờ hai anh em đi rồi, một mình bố chắc sẽ vất vả nhiều hơn. Tuy nhiên, được trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ là ước mơ cháy bỏng của chúng em từ nhỏ; lại được rèn luyện tính kỷ luật, tác phong chững chạc, trưởng thành hơn nên bố, mẹ và những người thân trong gia đình không phản đối mà còn động viên chúng em nỗ lực rèn luyện, học tập, xứng đáng với niềm tin của mọi người”.

Trải qua ba tháng nỗ lực rèn luyện, làm quen và chấp hành tốt kỷ luật quân đội, được trang bị những kiến thức cơ bản và thành thạo kỹ năng chiến đấu, những chiến sĩ mới đã được tuyên thệ trước quân kỳ, được trao vũ khí trong ngày 11/6/2021.

Chiến sĩ Bùi Mạnh Dũng chia sẻ đầy tự hào: “Trong khoảnh khắc thiêng liêng nâng trên tay quân kỳ, em thực sự vô cùng xúc động, bởi từ giây phút đó chúng em đã trở thành quân nhân, hứa trung thành, hy sinh tất cả vì Tổ quốc với 10 lời thề danh dự. Em vẫn không quên ngày chúng em nhập ngũ, bố quay đi lau nước mắt, khiến hai anh em cũng không kìm lòng được mà khóc theo. Nhưng giờ, chắc chắn bố em sẽ rất hạnh phúc và tự hào khi thấy chúng em đã trưởng thành hơn”.

Khổ luyện để trưởng thành

Mười sáu chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi tề tựu về đây chung một đơn vị, buồn vui, sướng khổ có nhau. Sau ba tháng tân binh, họ giống nhau từ nước da đến mái tóc. Không còn nữa những cậu trai nước da trắng trẻo, khuôn mặt “búng ra sữa”, không còn mái tóc bồng bềnh tạo kiểu ngày nào, thay vào đó là nước da bánh mật, mái đầu 3 phân.

Vốn là chàng trai có nước da trắng, dáng vẻ thư sinh, binh nhì Nguyễn Quang Trường ở phường Đông Triều, thị xã Đông Triều giờ đây đã mang nét rắn rỏi, bản lĩnh của một quân nhân. Trường chia sẻ: “Trước kia, ở nhà em được bố mẹ chiều, chỉ phải phụ giúp chút việc nhà hoặc một vài việc không quá mất sức. Ba tháng đầu tân binh, em đã rèn được rất nhiều, không còn ngủ nướng nữa. Mặc dù vậy, những ngày đầu chưa quen với việc luyện tập thường xuyên, cũng có lúc em cảm thấy chán nản, nhớ nhà, muốn bỏ cuộc, nhưng được sự động viên của chỉ huy, em lại lấy lại tinh thần, tiếp tục rèn luyện”.

"Tự hào vì tôi là quân nhân" ảnh 2
Các chiến sĩ trẻ rèn luyện thể chất tại trung đoàn 244.

Những chàng lính binh nhì vừa về đơn vị mới được một tuần sau lễ tuyên thệ, giờ đây đã không còn những bỡ ngỡ ngày đầu. Họ đã trải qua ba tháng làm quen với môi trường quân ngũ. Thế nhưng, đầu quân cho Đại đội Trinh sát, là những trinh sát tương lai, họ phải luyện tập với cường độ và môi trường khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Đại úy Vi Văn Nguyên, Phó Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát, cho biết: “Khối lượng, thể lực của bộ đội phải bỏ ra trong quá trình huấn luyện rất nhiều, nên trong những tuần đầu, chúng tôi chú trọng huấn luyện thể lực, sau đó mới huấn luyện các nội dung chuyên ngành tiếp theo phù hợp với từng giai đoạn”.

Binh nhì Bùi Mạnh Hùng chia sẻ: “Trước kia, ở Trung đoàn 244, chúng em chủ yếu được huấn luyện điều lệnh, nội vụ, làm quen và thực hành “3 tiếng nổ”. Thế nhưng về Đại đội trinh sát, chúng em phải tham gia khóa huấn luyện với đòi hỏi cao hơn về thể lực, kỹ thuật, dần dần luyện những kỹ chiến thuật chuyên ngành, ngày càng khó. Thời gian đầu giãn cơ, lắm lúc đau đến phát khóc. Thế nhưng, vì mình là trinh sát viên tương lai, mọi người lại động viên nhau, lại được chỉ huy cũng rất quan tâm, chia sẻ, nên chúng em cũng nhanh chóng vượt qua”.

Đại đội Trinh sát là đại đội tinh nhuệ, chủ lực, cơ động, sẵn sàng chiến đấu kể cả trong những tình huống khó khăn nhất. Các cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn về đây cũng phải trải qua sự chọn lọc kỹ lưỡng cả về thể lực, tư chất và nhận thức chính trị, đặc biệt ưu tiên những chiến sĩ có tố chất võ thuật. Nhiệm vụ huấn luyện được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, xuyên suốt với yêu cầu sát với thực tế chiến đấu. Chính vì thế, các cán bộ, chiến sĩ đều phải trải qua những kỳ huấn luyện khắc nghiệt, gian khổ. Những môn thể lực được duy trì luyện tập hằng ngày như: xà đơn, xà kép, cử tạ, chạy vũ trang, hành quân xa mang vác nặng… giúp các chiến sĩ thích ứng với cường độ huấn luyện cao.

Những ngày hè, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nắng nóng kéo dài, để vượt qua quá trình rèn luyện thể chất, càng cần sự cố gắng hơn nữa của mỗi chiến sĩ. Để tạo điều kiện rèn luyện và động viên chiến sĩ, Thiếu tá Lê Duy Thái cho biết, ngay khi các chiến sĩ chuyển về, đơn vị đã ổn định tổ chức biên chế bằng cách phân về các phân đội. Ngoài chế độ huấn luyện, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt trong ngày, trong tuần. Các buổi chiều sau giờ huấn luyện, đơn vị đều tổ chức thể thao, tăng gia. Buổi tối thì tổ chức sinh hoạt, quán triệt tinh thần, lòng quyết tâm của bộ đội. Đặc biệt trong những ngày này, chỉ huy đơn vị cũng lựa chọn thao trường, nội dung, thời gian huấn luyện cho phù hợp với thời tiết như tập muộn hơn, nghỉ muộn hơn để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội.

"Tự hào vì tôi là quân nhân" ảnh 3
Phút giải lao sau giờ tập đọc sách cùng với chỉ huy đại đội. 

Vào những ngày nghỉ, những chiến sĩ trẻ mới về đơn vị cũng được tổ chức vui chơi thể thao, gọi điện về cho gia đình và người thân.X a nhà, vào quân đội, họ lại trân trọng hơn những giờ phút được trò chuyện với gia đình, người thân để vơi bớt nỗi nhớ nhà, để lại thêm quyết tâm khổ luyện.

Hoàng Trung Phong tâm sự, từ khi nhập ngũ một tuần chỉ được gọi điện về nhà một lần. Nhớ nhà nhiều nên Phong có thêm thói quen mới là viết thư về cho bố mẹ…

Thiếu tá Phạm Văn Dĩnh, Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát, cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, các chiến sĩ phải huấn luyện liên tục, có khi đến 7 ngày/tuần. Sau ba tháng, về đây, cơ bản các chiến sĩ đã chững chạc hơn, quen với môi trường và kỷ luật quân đội hơn, nhưng vẫn phải còn cần cố gắng rất nhiều. Do đó, cán bộ của đơn vị phải hướng dẫn tận tình hơn như những người thầy, nhưng cũng đồng thời là những người anh đi trước để nắm tình hình tư tưởng, động viên chiến sĩ vượt qua những lúc khó khăn, nản lòng. Mong muốn của chúng tôi vẫn là mỗi chiến sĩ sẽ trưởng thành hơn, có gian khổ mới trưởng thành, có rèn luyện khắc nghiệt mới có thể tôi luyện bản thân cứng rắn hơn, tự tin hơn”.

Chiều xuống, khi cái nóng đã bớt “nung chảy” mặt đất, nhưng các chiến sĩ lại tham gia công việc tưới cây, chăm sóc vườn rau tăng gia của đơn vị sau một ngày rèn luyện.

Được rèn luyện, học tập trong môi trường quân dội, các thanh niên sẽ trưởng thành hơn, bản lĩnh vững vàng hơn khi rời quân ngũ, chắc chắn trải qua những rèn luyện gian khổ, họ sẽ luôn tự hào rằng: Quân đội chính là một “trường học lớn” để tuổi trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Được là quân nhân, được cống hiến sức trẻ cho xã hội, cho đất nước sẽ luôn là niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ.