Ký ức vượt thời gian
Đón chúng tôi trong căn nhà đơn sơ trước một xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ là nụ cười thân thiện từ cụ Lê Đăng Vít (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), năm nay cụ đã ngoài 100 tuổi. Sau những câu chuyện đời thường, cụ Vít rạng ngời khi nghe chúng tôi đề cập đến Cách mạng Tháng Tám và hành trình hoạt động cách mạng của mình.
Theo lời kể đứt đoạn và qua tài liệu hoạt động kháng chiến còn được lưu giữ cẩn thận, chúng tôi được biết cụ Vít lớn lên ở vùng quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Ngày ấy, dân làng nghèo đói, cụ Vít cũng như phần đông trẻ em nông thôn khác đều phải đi ở cho địa chủ phong kiến, cuộc sống vô cùng cơ cực.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên giành chính quyền, người dân quê cụ hưởng ứng mạnh mẽ. Cụ Vít chia sẻ: Tôi đi theo cách mạng, theo Bác Hồ. Cách mạng Tháng Tám diễn ra, chính quyền vào tay nhân dân mới đánh đuổi được Nhật. Nhưng đuổi phát-xít Nhật xong thì thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.
Do đó, sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 10/1945, tôi vào Vệ quốc đoàn, theo Chi đội Nam Long vào nam đánh thực dân Pháp. Ông Huỳnh Thế Thiện (93 tuổi) ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp xúc động khi nhớ về những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945.
Trước Cách mạng Tháng Tám, người dân phải chịu ách “một cổ hai tròng” khi bị bọn cường hào phong kiến và thực dân xâm lược áp bức. Cùng với những cuộc nổi dậy trên khắp cả nước, người dân miền Tây quê ông cũng đồng lòng đứng lên giành chính quyền.
Ông Thiện cho biết: Dưới chế độ phong kiến, đế quốc, hai tầng thống trị bóc lột cho nên khổ cực lắm. Nông dân đầu tắt mặt tối, một năm làm cả 100 công ruộng nhưng bị địa chủ thu gom hết, không những không có cơm ăn, áo mặc mà còn bị đánh đập… Vì vậy, khi Bác Hồ kêu gọi đứng lên giành chính quyền, nhân dân cả nước đã nhất tề ủng hộ...
Những nhân chứng sinh động, bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám ghi lại trong các trang vàng lịch sử đã trở thành kho tư liệu quý giá để mỗi người dân, trong đó có các nhà khoa học thêm tôn trọng, trân quý, tiếp tục nghiên cứu, lưu trữ và gìn giữ cho các thế hệ mai sau.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, với một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình như Việt Nam, việc vùng lên giành độc lập là một sự nghiệp vô cùng to lớn, vĩ đại. Ðó là mốc son đánh dấu trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám được coi là bước ngoặt lịch sử, Việt Nam từ đêm trường nô lệ đã giành được chính quyền, trở thành nước độc lập. Một kỷ nguyên mới của dân tộc được mở ra sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vận dụng trong huy động sức dân
Bài học từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được vận dụng trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước trên đường hội nhập và có vị thế, cơ đồ rộng lớn trên trường quốc tế. Nhiều vùng đất anh hùng trong kháng chiến tiếp tục kết thành sức mạnh tổng hợp, tự lực tự cường, vươn mình xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Tại huyện Phú Riềng, một địa danh nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Nam Bộ, đội ngũ lãnh đạo huyện luôn nhận thức sâu sắc về tư tưởng “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực trong dân để “dân làm, dân thụ hưởng”.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng cho biết: “Giải pháp mang tính chất quyết định chính là Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết đúng đắn, sát với thực trạng, phù hợp với lòng dân. Nghị quyết đã thôi thúc ý chí, tinh thần “khó khăn càng lớn thì quyết tâm càng cao” của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội đã cụ thể hóa thành chương trình hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận gắn với thực tiễn và yêu cầu đối với từng địa phương, cơ quan trong từng giai đoạn; từng công việc, từng chủ trương đều có phương châm hành động cụ thể, thiết thực để cả hệ thống chính trị cùng nhớ, cùng làm”.
Huyện Phú Riềng đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền; tăng số lượng và thời lượng tuyên truyền; khai thác tối đa, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng số với phương châm “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện”.
Thông qua tuyên truyền, tinh thần “việc nhỏ, việc to, dân lo xong hết”, “đường mở đến đâu dân giàu đến đó” đã giúp người dân nhận thức rõ vai trò trung tâm, vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của mình đối với sự phát triển của địa phương, từ đó tích cực hưởng ứng, tuyên truyền, vận động lẫn nhau tham gia thực hiện; từ chỗ chỉ là cách làm, mô hình của một nhà, một thôn, xóm dần trở thành phong trào mạnh mẽ lan tỏa từ thôn này sang thôn kia, xã này qua xã khác.
Vì vậy, thời gian qua, huyện Phú Riềng đã vận động được hơn 1.800 hộ dân hiến 187,2 ha đất, cây trồng, vật kiến trúc trên đất trị giá hàng trăm tỷ đồng để huyện có mặt bằng sạch xây dựng các tuyến đường giao thông, tạo động lực và không gian đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
Đến nay, tất cả 10 xã của huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Người dân đã cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi thụ hưởng những kết quả từ các chủ trương của huyện và sự tham gia của chính mình.
Cùng với đó, huyện Phú Riềng đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Chỉ đạo hệ thống chính trị phát huy những yếu tố tích cực của mạng xã hội trong công tác dân vận để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu, độc trên mạng xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động xây dựng Phú Riềng “Phát triển, thân thiện, nghĩa tình”…
Nhiều phong trào hành động cách mạng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội diễn ra sôi nổi, hướng về cơ sở với các chuỗi hoạt động vì quê hương Phú Riềng. Tất cả đã tạo tinh thần phấn khởi, lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền.