Tư duy nhiệm kỳ trong quản lý quy hoạch

Quy hoạch là yếu tố góp phần quan trọng vào việc quản lý nhà nước nói chung, đời sống kinh tế - xã hội nói riêng. Qua việc quy hoạch có thể nhận biết năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở phạm vi quốc gia cũng như phạm vi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương. Tuy nhiên phải nói rằng bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận đạt được trong thời gian qua, công tác quy hoạch ở Việt Nam vẫn còn một số bất cập, đòi hỏi kịp thời chấn chỉnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến nay trong tổng số 19.285 quy hoạch dự kiến cho thời kỳ 2011 - 2020, trên cả nước đã xây dựng được 13.767 quy hoạch (trong đó, quy hoạch về xây dựng và đô thị chiếm 63%, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chiếm 22%, quy hoạch sử dụng đất chiếm 15%), tiêu tốn kinh phí hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước (NSNN) và đòi hỏi vốn đầu tư cả triệu tỷ đồng… Nhìn chung, thời gian qua, công tác quy hoạch đáp ứng được một phần nhu cầu định hướng quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành và địa phương. Nhưng thực tế quản lý quy hoạch cũng xuất hiện nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng không thống nhất về đối tượng, phạm vi, thời kỳ, nội dung và cả phương pháp lập quy hoạch; coi nhẹ quy trình và trật tự quy hoạch; chưa rõ ràng về nội dung, cấp độ; còn có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các loại quy hoạch… Ðã và đang có những dấu hiệu, biểu hiện tiêu cực của lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm có nguy cơ chi phối toàn bộ quá trình hoặc từng công đoạn xây dựng, thông qua và thực hiện quy hoạch. Tiêu biểu như, trong xác định chủ trương và định hướng yêu cầu quy hoạch, biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ" cộng hưởng với "lợi ích nhóm" thường quán triệt nguyên tắc dự án quy hoạch càng to thì thành tích của tập thể và cá nhân lãnh đạo trong nhiệm kỳ càng lớn, và người có quyền thẩm định, thực hiện dự án càng có cơ hội thu lợi ích và "ghi dấu ấn cá nhân" lớn hơn. Thậm chí, đã có lúc, có nơi xuất hiện tình trạng đua nhau xây dựng và thực hiện các quy hoạch hoành tráng, tốn nhiều tiền của xã hội, nhất là vốn NSNN. Ðây được coi là nguyên nhân trực tiếp của tình trạng quy hoạch được sản xuất hàng loạt, với tốc độ lập quy hoạch thần tốc, thẩm định cẩu thả, chất lượng thấp, bất chấp các căn cứ khoa học, xa rời thực tế, không gắn với nguồn lực thực hiện, kém tính khả thi, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật thấp. Ðây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng quy hoạch "treo", chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau. Việc thực hiện dự án thì theo kiểu "xếp gạch giữ chỗ", "vừa chạy vừa xếp hàng" làm cho kế hoạch đầu tư bị cắt khúc, phân bổ dàn trải và kéo dài nhiều năm.

Có thể thấy nếu quy hoạch bị chi phối bởi lối tư duy nhiệm kỳ hay lợi ích nhóm sẽ khiến công tác quản lý quy hoạch đi chệch hướng, thậm chí bị buông lỏng, bản thân quy hoạch dễ bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và sự "dẫn dắt" của chủ đầu tư qua mỗi nhiệm kỳ. Không hiếm trường hợp việc lập dự án và thuyết minh dự án một đằng, sau khi được thông qua lại triển khai một nẻo. Thực tế ở Hà Nội và một số đô thị lớn cho thấy, hàng chục dự án có phần diện tích theo quy hoạch chính thức phải làm đường thẳng hoặc làm bãi đỗ ô-tô, nhưng cuối cùng đường thẳng lại bị uốn cong và bãi đỗ xe tĩnh bị chuyển đổi công năng, ưu tiên cho việc xây dựng nhà hàng, chung cư và văn phòng, sai ngược hẳn với mục đích sử dụng đất được xác định khi xây dựng và thông qua quy hoạch ban đầu. Tương tự, sự xuất hiện những khu chung cư cao tầng mới được "cài cắm" thêm, hoặc thay cho xây dựng các khu dịch vụ công ích, phi lợi nhuận… cũng không phải là chuyện hiếm gặp, đã và đang tiếp tục gây quá tải cơ sở hạ tầng tại khu vực cũng như phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị. Khi bị dư luận thắc mắc, đặt câu hỏi thì vô số lý do được viện dẫn nhằm giải thích là quy hoạch thực hiện "theo đúng quy trình". Tình trạng này kéo dài và lặp lại nhiều lần, hậu quả nhãn tiền là tại nhiều thành phố lớn thiếu trầm trọng bãi đỗ xe, làm tăng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và phá vỡ tổng thể cảnh quan đô thị. Gần đây, một công trình "cấy thêm" vào vùng lõi của di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ năm 2014, buộc phải phá dỡ đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Ðiều này làm tăng quan ngại về những tổn hại trực tiếp và gián tiếp đến cảnh quan môi trường, đe dọa đến việc gìn giữ danh hiệu quốc tế đã được trao cho di sản này, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Bên cạnh đó, tình trạng tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm còn khiến công tác quản lý quy hoạch xuất hiện tình trạng: mỗi địa phương quy hoạch một kiểu, chắp vá, không giữ gìn bản sắc, dấu ấn riêng; việc độc quyền, không công khai thông tin dự án, quy hoạch, cố tình biến thông tin quy hoạch thành "cửa làm ăn", trục lợi của người nắm giữ thông tin...

Phải khẳng định rằng quy hoạch cần có sự linh hoạt thích ứng với biến động bối cảnh thực tế và thị trường. Tuy nhiên, sự lạm dụng điều chỉnh quy hoạch có thể tạo nguy cơ làm biến mất hoặc méo mó các giá trị định hướng và lợi ích tốt đẹp ban đầu. Bởi vậy, trong công tác quy hoạch cần tuân thủ những quy định của nhà nước, cụ thể là Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24-11-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, riêng các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2018; quán triệt nghiêm nguyên tắc không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn, nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.

Hậu quả của lối tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm còn góp phần tạo nhu cầu ảo về ODA; cùng với đó là sự ngộ nhận, nỗ lực thu hút càng nhiều ODA càng tốt, đi đôi với thiếu công khai, minh bạch về các dự án, các điều kiện, tiêu chí cụ thể trong quá trình phân bổ vốn ODA. Ðặc biệt, đây còn là nguyên nhân, mảnh đất màu mỡ để nảy sinh các tiêu cực như nhà cung cấp ODA phải hối lộ người vay ODA để được chấp nhận nhà thầu và các điều kiện thầu; sự bắt tay nhau giữa các bên thi công - giám sát - nghiệm thu trong thực hiện quy hoạch đã dẫn đến hiện tượng giá thành công trình và chi phí vận hành, bảo trì bị đội lên rất cao, còn chất lượng và tuổi thọ công trình thấp, lợi ích và uy tín quốc gia bị bào mòn; nợ công ngày càng tăng nhanh và giá thành các dự án sử dụng ODA ngày càng đắt đỏ so với thế giới. Cũng không phải không có hiện tượng, dù là cá biệt, tư duy nhiệm kỳ gắn với lợi ích nhóm của một số cá nhân lãnh đạo địa phương, biểu hiện ở sự lạm quyền, tăng chỉ định thầu cho doanh nghiệp "sân sau", dẫn đến nợ đọng vượt khả năng cân đối ngân sách địa phương. Thậm chí là tình trạng, nhiệm kỳ lãnh đạo mới thường ít quan tâm đến việc xử lý số nợ đọng của nhiệm kỳ trước, mà tiếp tục đi vào vòng xoáy tìm kiếm, phê duyệt đầu tư các công trình, dự án mới, bất chấp nợ công, nợ đọng phát sinh càng ngày càng lớn…

Thực tế đã cho thấy, quy hoạch có vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt và tạo kết nối thúc đẩy đầu tư xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa khác. Quy hoạch tốt sẽ tạo hiệu quả cao. Ngược lại, nếu quy hoạch bị chi phối ảnh hưởng bởi lối tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và núp danh "tầm nhìn xa", thì sẽ thiếu cơ sở khoa học, kém chất lượng, gây lãng phí đầu tư, đội vốn, mất cân đối NSNN và tăng nợ công, giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư xã hội và làm tăng áp lực bảo đảm an sinh xã hội, tổn hại về uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, giảm lòng tin, sự đồng thuận và trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, nhận diện và kiên quyết chống những biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ, gắn với lợi ích nhóm trong quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sau khi được thông qua, chống các hành vi liên kết với nhau nhằm "lách luật", vi phạm và lạm dụng luật, tăng cường quản lý các quy hoạch đúng mục tiêu và công năng đã được cấp thẩm quyền thông qua, có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm quy hoạch... là cần thiết để bảo đảm tính định hướng, thống nhất, đồng bộ, ổn định và khả thi của quy hoạch; khắc phục tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành, tạo đà cho sự phát triển của giai đoạn mới. Quản lý tốt công tác quy hoạch thực chất là nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý linh hoạt mà không tùy tiện, tăng cường tính minh bạch, sự đồng thuận xã hội trong xây dựng và quản lý quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước thống nhất theo hướng kiến tạo và sự chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương. Quản lý tốt quy hoạch còn góp phần tăng hiệu quả cho công cuộc chống tham nhũng dưới nhiều dạng và quy mô, cấp độ, giảm nguy cơ làm méo mó đường lối, chính sách của Ðảng để trục lợi; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; giúp ngăn chặn nguy cơ thúc đẩy "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của Ðảng, Nhà nước và chế độ.