Tự chủ đại học là xu thế tất yếu
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định 3 đột phá chiến lược trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để hiện thực hóa được đột phá chiến lược này, tự chủ đại học có được xác định là giải pháp trọng tâm?
PGS,TS Vũ Hải Quân: Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế thì có nhiều quyền tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật. Tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy sẽ giúp cho đại học chủ động tuyển dụng được những nhà khoa học, giảng viên, sinh viên xuất sắc; xây dựng và vận hành được hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động.
Tự chủ về tài chính còn giúp đa dạng hóa nguồn thu từ việc khai thác tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, đến việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành và vận hành các quỹ tài trợ, chủ động quyết định các khoản chi. Tự do học thuật là nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm đại học thực sự trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đại học phải được quyền quyết định các vấn đề học thuật như tuyển sinh, đào tạo, mở ngành mới; phương pháp, ngôn ngữ giảng dạy,…
Ở một góc độ khác, tự chủ đại học phải đi cùng với trách nhiệm giải trình. Các trường đại học nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước, từ các nhà tài trợ và từ nguồn học phí của sinh viên và do vậy việc minh bạch các khoản chi là bắt buộc. Chỉ số thứ hai phải minh bạch là chất lượng đào tạo mà thước đo quan trọng nhất là khả năng có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp cũng như mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam cũng đặt ra ba thách thức rất lớn liên quan đến tài chính đại học mà nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên khó khăn, sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực quốc gia.
Ba thách thức tài chính đối với các trường đại học tự chủ bao gồm: (1) không còn được bảo đảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước; (2) chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho sinh viên vay; (3) chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.
Phóng viên: Nhiều đại biểu cũng như cử tri quan ngại khi không còn được bảo đảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, các trường tự chủ sẽ ra sao và dự kiến các vấn đề có thể phát sinh?
PGS,TS Vũ Hải Quân: Hệ thống giáo dục đại học của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách Nhà nước rất giới hạn. Nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với chi cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, năm 2015, giáo dục đại học chỉ nhận được khoảng 6,1% trong tổng chi của ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, tương đương 0,33% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ trọng GDP của chi ngân sách cho giáo dục đại học ở nhiều nước láng giềng: Singapore (1,0%), Hàn Quốc (0,94%), Malaysia (1,3%), Thái Lan (0,64%).
Cũng theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, tổng chi của ngân sách Nhà nước tính trên đầu sinh viên ở Việt Nam cũng ở mức rất thấp trong khu vực, ước tính khoảng 316 USD ở thời điểm năm 2015. Trong đó, phần chi thường xuyên cho mỗi sinh viên tại 48 trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thì chưa đến 40 USD; con số tương đương của Đại học Quốc gia Hà Nội là gần 130 USD.
Nghị định số 86/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2015 cho phép các trường đại học công được tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính và sẽ không còn được nhận kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các trường đại học tự chủ sẽ được phép tính học phí theo định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện tính đúng, tính đủ và thường cao hơn so trước (học phí cho năm học 2020-2021 tại các trường đại học tự chủ cao hơn từ 2,1 đến 3,5 lần so với các trường không tự chủ).
Ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc tế là đơn vị thành viên tự chủ rất sớm, có mức học phí khoảng 50 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của giảng viên khoảng 50 triệu/tháng. Nhờ cơ chế tự chủ, Đại học Quốc tế đã thu hút được nhiều giảng viên giỏi trong đó có nhiều giáo sư nước ngoài. Còn ở Đại học Khoa học Tự nhiên là một đơn vị thành viên chưa tự chủ của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường thu học phí trên dưới 10 triệu đồng/năm; lương giảng viên (năm 2020) là xấp xỉ gần 20 triệu. Thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều giảng viên của trường này đã xin chuyển công tác.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa thực hiện khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 với 39.000 sinh viên tham gia. Theo đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho người học trong đợt dịch vừa qua có triển khai kịp thời nhưng chưa sâu rộng và hiệu quả. Có đến 45,7% gia đình sinh viên bị mất ít nhất một nguồn thu nhập, trên 52% sinh viên đề nghị có chính sách hỗ trợ do gặp khó khăn. Có đến 71,7% sinh viên của Đại học Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí trong khi con số tương tự ở Đại học Khoa học Tự nhiên là 57,6%.
Chính sách tín dụng cho sinh viên và hợp tác công tư
Phóng viên: Là một nhà giáo, một đại biểu Quốc hội, vấn đề đa dạng hóa nguồn thu của các trường đại học trong đó có hợp tác công tư, ông có quan điểm gì?
PGS,TS Vũ Hải Quân: Ba nguồn thu chính tại các trường đại học công lập bao gồm: ngân sách Nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, thu từ các hoạt động dịch vụ, từ hiến tặng, từ hợp tác công tư...). Trong ba nguồn thu này, lớn nhất và quan trọng nhất vẫn là học phí. Khi các trường tự chủ, ngân sách Nhà nước sẽ không còn.
Việc hợp tác công tư trong lĩnh vực giáo dục đại học, các văn bản pháp lý đang được từng bước hoàn thiện. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2018 xác định có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, ban hành năm 2020 xác định lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên để triển khai PPP trong lĩnh vực giáo dục đại học thì còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc định giá tài sản (trường đại học công thì đất là thuộc sở hữu Nhà nước). Ngay cả khi các dự án hợp tác PPP đi vào hoạt động thì cũng cần một thời gian dài để thu hồi vốn và từ đó mới có thể tính đến việc đóng góp kinh phí lại cho đại học. Điểm cuối cùng là chưa có chính sách ưu tiên trong hợp tác PPP cho các trường đại học tự chủ.
Nguồn thu từ hiến tặng cũng rất hạn chế mà một trong những nguyên nhân là chưa có chính sách pháp luật (thí dụ như chính sách về miễn trừ thuế) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hiến tặng trực tiếp cho trường đại học. Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trải qua 12 năm hoạt động cũng mới chỉ vận động tài trợ được gần 100 tỷ đồng để triển khai học bổng hay cho sinh viên vay ưu đãi lãi suất 0%. Tuy nhiên, do hạn chế về tài chính nên số lượng sinh viên tiếp cận quỹ còn ít.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các dữ kiện đã nêu, chúng tôi có kiến nghị liên quan đến đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học, cụ thể là:
Sớm xây dựng và ban hành Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này, từ đó sớm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học; đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, con người (phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi); có lộ trình điều tiết ngân sách Nhà nước đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm); sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng…
Về chính sách tín dụng cho sinh viên vay, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách; điều chỉnh mức cho vay nhằm bảo đảm cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3-4% mỗi năm học; điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp 3 lần thời gian vay (thí dụ học 4 năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm); sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.
- Xin cảm ơn ông!