Tự bảo vệ trước cám dỗ từ mạng xã hội

Không còn là cảnh báo, các chứng bệnh có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Sự lệ thuộc quá nhiều vào Facebook, Youtube, Instagram hay Twitter đã khiến không ít cư dân mạng, trong đó phần lớn là những người trẻ quay cuồng trong "thế giới ảo" mà quên rằng cuộc sống thực tại mới chính là cuộc sống đúng nghĩa của mình.

Nhập viện vì "nghiện Facebook" đã trở thành một căn bệnh được các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước xác nhận trong thời gian qua. Ðặc điểm chung của phần lớn người bệnh là thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên, ngại giao tiếp; biểu hiện cáu gắt khi không được tiếp xúc với Facebook; sức khỏe suy giảm. Hiện nay, chưa có nghiên cứu và thống kê cụ thể về số lượng ca "nghiện Facebook" tại Việt Nam song có thể thấy Facebook ít nhiều có liên quan đến tỷ lệ trẻ em và vị thành niên bị mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung đang có chiều hướng gia tăng, cụ thể là từ 8 đến 29% (tùy theo địa phương và giới tính); đặc biệt tỷ lệ người vị thành niên Việt Nam tự tử là 2,3% (theo nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UNICEF và Viện Phát triển hải ngoại).

Trước thông tin nhiều người Việt Nam phải nhập viện tâm thần vì sử dụng Facebook, người đại diện hãng này cho biết: ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực (của Facebook) đều phụ thuộc vào người dùng, còn bản thân Facebook đang thúc đẩy những tương tác xã hội ý nghĩa thay vì "giết thời gian". Tuy nhiên tuyên bố trên có vẻ thiếu thuyết phục trước cáo buộc từ phía các chuyên gia công nghệ và y tế. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CBS, cựu nhân viên Google T.Harris (Ha-rit) cho rằng: "Các mạng xã hội đang thao túng suy nghĩ, cảm xúc và hành động của người dùng. Họ có nhiều mánh khóe để khiến người ta sử dụng mạng xã hội càng lâu càng tốt". Mới đây, T. Harris tiếp tục tuyên bố một thông tin gây sốc trên BBC: "Tầm ảnh hưởng từ các công ty công nghệ như Facebook và Snapchat đến con người còn hơn cả chất gây nghiện. Thực tế, nó có thể xem là mối đe dọa hiện hữu với loài người". Ý kiến này xuất phát từ sự thật là các tập đoàn cung cấp dịch vụ mạng xã hội chỉ chăm chăm nghiên cứu hoặc mua lại các trí tuệ nhân tạo khiến người dùng ngày càng lệ thuộc hơn vào chúng. Hiện nay, những cáo buộc Facebook thu thập dữ liệu người dùng để môi giới quảng cáo và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau đang ngày một phổ biến. Mới đây, ngày 2-1-2018, Cơ quan cạnh tranh liên bang của Ðức (FCO) đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt vì "cách thức mà Facebook thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân như một hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường". Ðược sự hậu thuẫn của những thiết bị di động thông minh, hành vi sử dụng mạng xã hội đã trở thành thói quen thường trực của nhiều người. Nghiên cứu của T. Harris cho biết một người bình thường có thói quen lướt Facebook 150 lần/ ngày trên điện thoại di động. Hay nói cách khác, cứ 40 giây, chúng ta lại nhìn xuống màn hình một lần để đọc những thông tin cập nhật trên Facebook.

Trước khi bị coi là "một chất gây nghiện", Facebook đã là môi trường cho nhiều phát ngôn, hành động bộc phát, không cẩn trọng, thiếu kiểm soát, thậm chí là hành vi phạm tội của một bộ phận thanh thiếu niên. Mạng xã hội này cũng được coi là môi trường thuận lợi cho những hành vi xấu như miệt thị cơ thể, phân biệt chủng tộc, giới tính, giai cấp, vùng miền... có điều kiện lây lan, phát triển. Chưa kể, nguồn thông tin giả, xấu, độc và tiêu cực ngập tràn trên mạng xã hội Facebook có thể khiến trẻ em, thanh thiếu niên có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống. Những thí dụ về tác hại xấu của Facebook với người dùng trẻ tuổi tại Việt Nam không hề hiếm. Gần đây, có thể kể đến sự việc 10 thanh niên tại tỉnh Phú Thọ mang hung khí chặn xe ô-tô đang lưu hành trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để cướp tiền ngày 29-12-2017. Trong quá trình gây án, nhóm này không quên thực hiện video livestream (truyền trực tiếp) trên Facebook khoe "chiến tích". Với số tiền chiếm đoạt chỉ hơn 400.000 đồng cho thấy, dường như mục đích livestream của họ chỉ là thói háo danh trên mạng xã hội. Song bản án dành cho những thanh niên có tuổi đời chưa quá 20 nhận lại vì những phút giây bốc đồng của mình có thể sẽ không hề nhẹ. Trước đó, tháng 5-2017, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt mức án chung thân với đối tượng V.M.H (22 tuổi) vì hành vi giết người. Theo cáo trạng, H. gây án chỉ vì… một câu nói đùa trên Facebook. Cũng chỉ vì nhắn tin qua lại trên mạng xã hội, ngày 27-3-2017, tại tỉnh Bình Phước, T.T.T (18 tuổi) và đồng bọn đã giết hại nạn nhân H.M.H. "Câu like" (lượt yêu thích) trên Facebook cũng được cho là nguyên nhân chính khiến một cô bé 13 tuổi tại Khánh Hòa đốt ngôi trường THCS mà mình đang học tập vào năm 2016... Chưa dừng lại ở đó, việc sử dụng mạng xã hội qua các thiết bị di động còn là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh khác. Ðơn cử là hội chứng rối loạn TIC (rối loạn về thần kinh, chủ yếu xuất hiện ở phần cơ mặt, cơ thân, cơ phát âm). Theo ghi nhận từ các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, số trường hợp trẻ nhỏ mắc hội chứng TIC do "nghiện" điện thoại đang có dấu hiệu tăng trong những năm gần đây.

Số liệu từ các tổ chức nghiên cứu độc lập cho biết 81% số vụ án trên in-tơ-nét có dính dáng tới Facebook hoặc Twitter. Tại Anh, những vụ án trên mạng xã hội chủ yếu thuộc ba nhóm tội phạm nguy hiểm: quấy rối tình dục trẻ em, lừa đảo và giết người. Tại Nhật Bản, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, có 919 trẻ em dưới 18 tuổi trở thành nạn nhân của tội phạm trên mạng xã hội. Những vụ án và số liệu trên có thể chưa đủ sức thuyết phục về sự nguy hiểm của các mạng xã hội thông dụng với người vị thành niên, thế nhưng bản thống kê của Guardchild.com tổng hợp từ các nghiên cứu uy tín trên toàn thế giới sẽ khiến nhiều người phải giật mình. Cụ thể có 88% số trẻ em từng thấy các vụ việc xấu diễn ra trên mạng xã hội; 15% số trẻ em cho rằng mình từng là mục tiêu của tội phạm mạng; 22% số trẻ em mất bạn bè và các mối quan hệ thân thiết vì lạm dụng mạng xã hội. Ðáng chú ý, mặc dù theo quy định, Facebook yêu cầu tất cả mọi người phải ít nhất 13 tuổi mới được phép tạo tài khoản (trong một số khu vực pháp lý, giới hạn độ tuổi này có thể cao hơn) tuy nhiên một đứa trẻ bình thường cũng có thể dễ dàng "vượt mặt" quy định này. Theo khảo sát của BBC, có hơn 75% số trẻ em trong độ tuổi 10 - 12 có tài khoản mạng xã hội. Nhiều báo cáo khác thậm chí chỉ ra hàng triệu trẻ em dưới 10 tuổi đã sử dụng Facebook khá thường xuyên.

Liên quan đến người sử dụng tại Việt Nam, mới đây, ông D. Yeo (Giám đốc chính sách và nhóm pháp lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook) cam kết mạng xã hội này sẽ xây dựng kênh riêng, tiếp nhận xử lý yêu cầu của Việt Nam. Ðây là một trong những động thái của Facebook trên toàn thế giới với mục tiêu lấy lại niềm tin của người sử dụng. Trong đó, tuyên bố đáng chú ý của CEO Facebook M. Zuckerberg (Giắc-kơ-bấc) về việc thay đổi thuật toán hiển thị "News Feed" (danh sách cập nhật thông tin của người dùng trên Facebook) để hạn chế quảng cáo và fake news (tin giả mạo) đã làm cổ phiếu hãng này giảm tới 4,5% trong ngày 13-1-2018, tương đương 25 tỷ USD. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính xuất phát từ phản ứng trả đũa của các công ty truyền thông vốn được "hưởng lợi" từ chính sách dễ dãi trước đây của Facebook.

Trong khi chờ đợi những giải pháp từ Facebook, Youtube hay Instagram, người lớn, nhất là các bậc cha mẹ cần có thái độ cẩn trọng, biện pháp giáo dục và quản lý con cái khi chúng tham gia mạng xã hội. Tại Việt Nam, số bậc phụ huynh cho phép trẻ em sử dụng thiết bị thông minh để truy cập mạng xã hội ngày càng tăng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả mục đích dỗ dành trẻ hoặc xem đây là một phần thưởng cho thành tích học tập, rèn luyện của con em. Không ít người nghĩ đơn giản đó là đồ chơi an toàn cho trẻ, giúp người lớn có thêm thời gian riêng tư cho công việc nhưng chưa nghĩ đến những ẩn họa khó lường mà môi trường in-tơ-nét nói chung, mạng xã hội nói riêng mang lại. Tâm lý chủ quan hoặc sự hiểu biết chưa thấu đáo của người lớn, áp lực học hành cùng nhiều nguyên nhân khác đã đẩy nhiều thanh thiếu niên và trẻ nhỏ chìm sâu vào thế giới ảo. Thậm chí, thay vì có biện pháp quản lý, lo lắng khi thấy con cái chỉ cắm mặt vào máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại để "chat chit" hoặc đăng tải hình ảnh, nhiều ông bố bà mẹ lại ngỡ rằng con cái mình đang có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Chỉ đến khi việc lạm dụng mạng xã hội gây những hệ quả xấu, nhiều người mới cuống cuồng đưa con đến các cơ sở y tế chữa trị và tư vấn tâm lý.

Từ một dịch vụ liên lạc, nhưng vì lợi nhuận không ít trang mạng xã hội đã không ngần ngại biến khách hàng nhất là giới trẻ... trở thành những con nghiện mạng xã hội cùng những căn bệnh thần kinh khác, đồng thời trở thành mục tiêu của giới tội phạm và các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rõ rằng, mạng xã hội hoàn toàn không xấu, mà còn có nhiều mặt tích cực. Vấn đề là sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả, có mục đích rõ ràng nhằm phục vụ công việc hoặc cuộc sống phong phú của chính mình chứ không phải trở nên lệ thuộc, bị thế giới "ảo" dắt mũi. Vì vậy, trước khi tính đến trách nhiệm của những dịch vụ truyền thông như Facebook hay Youtube, cư dân mạng, nhất là thế hệ trẻ phải biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ từ mạng xã hội.