Theo hãng tin StraitsTimes, Chính phủ Singapore quy định từ năm 2026, các chuyến bay khởi hành từ Singapore sẽ phải sử dụng nhiên liệu bền vững với môi trường. Do đó, giá vé của các chuyến bay khởi hành từ quốc gia này sẽ kèm thêm một khoản thuế để hỗ trợ khoản tiền chi trả cho nhiên liệu hàng không bền vững.
Nhiên liệu thân thiện với môi trường, chủ yếu được làm từ vật liệu phế thải như dầu ăn đã qua sử dụng, đắt hơn từ 3 đến 5 lần so với nhiên liệu thông thường. Nhưng nó được coi là một cách quan trọng để ngành hàng không khử carbon.
Mặc dù các chi tiết cụ thể của quy định sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường vẫn chưa được hoàn thiện nhưng ước tính sơ bộ từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) cho thấy, hành khách hạng phổ thông có thể phải chịu thêm khoản phí 3 USD cho các chuyến bay đường ngắn như tới Bangkok (Thái Lan), 6 USD cho các chuyến bay vừa tới Tokyo (Nhật Bản) và 16 USD cho các chuyến bay đường dài như tới London (Anh).
Khoản phí ước tính này dựa trên mục tiêu quốc gia mà Singapore đã đặt ra để nhiên liệu hàng không bền vững chiếm 1% tổng lượng nhiên liệu máy bay được sử dụng tại Sân bay Changi và Sân bay Seletar vào năm 2026.
Mục tiêu cuối cùng là tới năm 2030, ngành hàng không Singapore sẽ sử dụng từ 3% đến 5% nhiên liệu bền vững.
Sáng kiến này là một phần trong kế hoạch chi tiết về Trung tâm hàng không bền vững được Bộ trưởng Giao thông Singapore Chee Hong Tat đưa ra vào ngày 19/2 tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng không Changi lần thứ hai, được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands.
Kế hoạch chi tiết nêu ra 12 sáng kiến để Singapore giải quyết vấn đề phát thải hàng không, với mục tiêu trung hạn là giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động của sân bay xuống còn 326 kiloton mỗi năm vào năm 2030, thấp hơn 20% so với mức năm 2019.
Đến năm 2050, Singapore đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không ở cả các sân bay trong nước và các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không nước này. Mục tiêu này không bao gồm các dự án phát triển trong tương lai ở khu vực Đông Changi, bao gồm Nhà ga số 5.
Hiện, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã áp dụng các yêu cầu về nhiên liệu hàng không bền vững đối với các hãng hàng không.
Pháp và Thụy Điển đã yêu cầu các hãng hàng không sử dụng nhiên liệu bền vững ở mức tối thiểu 1% và Liên minh châu Âu đã đồng ý các quy định bắt buộc các hãng hàng không phải sử dụng 6% nhiên liệu bền vững vào năm 2030, tăng dần lên 70% vào năm 2050.
Nhật Bản đang lên kế hoạch yêu cầu các hãng hàng không sử dụng 10% nhiên liệu bền vững vào năm 2030, trong khi Ấn Độ đang xem xét áp dụng 1% vào năm 2027 cho các chuyến bay quốc tế và tăng lên 5% vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhược điểm của các quy định này là thị trường nhiên liệu bền vững vẫn còn non trẻ và nguồn cung không chắc chắn, CAAS cho biết.
Vào năm 2024, sản lượng nhiên liệu hàng không bền vững dự kiến sẽ tăng gấp ba lần lên 1,875 tỷ lít, nhưng con số này sẽ chỉ đáp ứng được 0,53% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không toàn cầu.
CAAS lưu ý do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao, giá nhiên liệu máy bay bền vững cao hơn đáng kể và dễ biến động hơn so với nhiên liệu thông thường.
Một số hãng hàng không đã bắt đầu chuyển khoản chi phí bổ sung này sang cho hành khách. Air France và KLM tính thêm phí từ 1 euro (1,45 đô la Singapore) đến 24 euro trên giá vé để trang trải chi phí nhiên liệu xanh.
CAAS cho biết, các hãng hàng không vẫn sẽ phải trả tiền cho nhiên liệu họ sử dụng, nhưng CAAS sẽ quản lý chi phí bằng cách thay mặt các hãng hàng không mua nhiên liệu bền vững một cách tập trung để tiết kiệm chi phí nhờ khối lượng lớn.
CAAS nói thêm, hành khách sẽ phải trả số tiền thuế khác nhau dựa trên các yếu tố như khoảng cách chuyến bay và hạng di chuyển, trong đó hành khách hạng thương gia và hạng nhất phải trả nhiều hơn. Thông tin chi tiết hơn về mức thuế sẽ được công bố vào năm 2025, gần thời điểm áp dụng quy định này.
CAAS ước tính rằng việc sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững sẽ giảm lượng khí thải hàng không quốc tế của Singapore khoảng 4% so với mức bình thường vào năm 2030.