Thực tế trong công tác kiểm tra, bắt giữ rượu ngoại giả, nhập lậu cho thấy, trung bình hằng năm, lực lượng chức năng cả nước phát hiện hàng chục vụ, các loại rượu đều gắn nhãn như Chivas, Ballantines…
Mới đây nhất, Đội Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội) vừa phát hiện cơ sở sản xuất rượu ngoại giả với số lượng lớn. Theo đó, vào khoảng 19 giờ 15 phút ngày 3-9, tại khu vực phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), lực lượng chức năng phát hiện Quách Ngân Giang (SN 1979, trú Ba Vì, Hà Nội) đang vận chuyển 48 chai rượu Chivas giả trên xe máy mang đi tiêu thụ. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Giang, cơ quan công an thu giữ thêm 12 chai Chivas giả, bảy chai rượu Black (Lào), sáu vỏ chai rượu cùng nhiều tem, nắp chai, nút bi, dụng cụ dùng để sản xuất rượu Chivas giả. Tại trụ sở cơ quan điều tra, Giang cùng vợ là Trần Thị Thanh Hoa (SN 1979, trú Hải Phòng) khai nhận, toàn bộ số rượu Chivas 12 trên là rượu giả, do Hoa trực tiếp sản xuất tại nhà, sau đó đưa cho chồng mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng rượu, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc…
Theo cơ quan công an, để sản xuất rượu giả, Hoa và Giang đã thu mua vỏ chai Chivas cũ về tẩy rửa, đặt mua tem nhãn Chivas, sau đó mua rượu Black (Lào) về sang chiết vào vỏ chai Chivas và dán tem rượu nhập khẩu.
Trung tá Kiều Hữu Việt, Đội phó Đội Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội) cho biết: “Thủ đoạn làm giả của các đối tượng không có gì mới so với các vụ việc đã phát hiện trước đây, các đối tượng thường mua vỏ chai tại các cửa hàng buôn bán sắt vụn, sau đó đóng chai bằng các loại rượu rẻ tiền rồi mang đi tiêu thụ. Khi tung ra thị trường, giá của các loại rượu giả được đội lên bằng với giá rượu ngoại “xịn”, khiến người tiêu dùng thiệt hại nặng nề.
Căn cứ vào lời khai của vợ chồng Giang, Hoa, cơ quan cảnh sát điều tra khám xét năm điểm tiêu thụ hàng giả trong đó có một cửa hàng ở Định Công, quận Hoàng Mai, một cửa hàng trên phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, một cửa hàng trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, hai cửa hàng còn lại ở Phủ Lý (Hà Nam) và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tổng số thu giữ khoảng hơn 300 chai rượu ngoại làm giả.
Vụ việc trên chỉ là một trong số hàng chục vụ buôn bán rượu giả hằng năm mà cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm rượu kém chất lượng ở nước ta. Thực tế, việc tiêu thụ những sản phẩm rượu không an toàn còn gây những hậu quả xấu cho xã hội.
Số liệu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới WHO, số người mắc các bệnh lý mãn tính ở Việt Nam (gồm ung thư, gan, thần kinh, tim mạch,…) do rượu kém chất lượng là hơn 400.000 người/ năm (cao gần bốn lần so với châu Âu). Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, ngộ độc rượu chiếm hơn 42% các loại ngộ độc, 7% số bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu và 40% số các vụ tai nạn giao thông với khoảng 11% số người tử vong có liên quan rượu bia. Do đó, “tảng băng chìm” của việc sử dụng rượu kém chất lượng mới là điều đáng báo động ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, nhiều bác sĩ nội tiêu hóa cho biết, rượu giả, rượu không nguyên chất, lẫn methanol sẽ tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 Hoàng Đại Nghĩa "để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn, sử dụng rượu. Không uống các loại rượu không có nhãn mác, rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu sản xuất ở các cơ sở không có giấy phép sản xuất, kinh doanh”.