Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tái ngộ độc giả sau gần nửa thế kỷ

NDO -

NDĐT – “Em ơi! Hà Nội phố” vốn dĩ chỉ được biết đến nhiều qua những giai điệu của bài hát cùng tên mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Sau gần nửa thế kỷ, tập trường ca này sẽ chính thức ra mắt bạn đọc TP Hồ Chí Minh vào lúc 19 giờ ngày 4-3 tại Petite Note Coffee, số 351/4 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tái ngộ độc giả sau gần nửa thế kỷ

Trong lần trở lại mới nhất do NXB Hồng Đức phát hành này, bên cạnh bản “Em ơi! Hà Nội phố” trọn vẹn nhất, còn có bảy phụ bản do nhà thơ Phan Vũ vẽ và tám bức chân dung tự họa trầm mặc mang tên Phan Vũ. Thơ và tranh, thơ và nhạc, cộng hưởng vào nhau, làm nên một tác phẩm “sống mãi cùng thời gian”, một tập trường ca giản dị, xúc động về Hà Nội.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” được nhà thơ Phan Vũ viết năm 1972, trên căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội còn chìm trong bom B52. Bài hát của nhạc sĩ Phú Quang chỉ trích có 21 câu, còn tập thơ gồm 443 câu, chia thành 24 đoạn.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tái ngộ độc giả sau gần nửa thế kỷ ảnh 1

Một phụ bản in trong tập thơ.

Trải qua gần nửa thế kỷ lưu lạc với nhân gian, bài thơ đã qua nhiều lần “tam sao thất bản” và đến nay có nhiều bản chép khác nhau. Nhà thơ Phan Vũ, trong một lần ra Hà Nội đọc thơ của chính mình với nhiều bạn bè văn nhân tên tuổi, cũng kể lại rằng bài thơ chưa từng được công bố, mà chỉ được đọc truyền miệng, bởi thế nên từ khi sáng tác đến nay, có rất nhiều bản được lưu hành, và những bản này đều không giống nhau. Nhà thơ giải thích, đó là khi mọi người đến xin chép, tam sao thất bản, rồi sau mỗi lần đọc lại, ông lại sửa.

Đây cũng là bài thơ duy nhất về Hà Nội của nhà thơ. Cũng giống như một bức tranh ông từng vẽ về Hà Nội, về “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, một kỷ niệm đẹp mà buồn khó phai, cũng là bức tranh duy nhất của nhà thơ về Hà Nội, mặc dù ông vẽ và triển lãm rất nhiều.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tái ngộ độc giả sau gần nửa thế kỷ ảnh 2

Phan Vũ kể lại, nhà ông hồi đó ở phố Hàng Bún, ngay gần nhà máy điện Yên Phụ, những ngày đêm Mỹ ném bom B52 phá nát Hà Nội, trong lòng ông cuộn trào một nỗi đau xót. Bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố” cứ thế hiện dần, với quá khứ được đẩy lùi về trước đó, êm đềm, buồn dìu dịu, mà thấm đẫm những kỷ niệm ngọt ngào, mềm mại. Ông nói: “Những sự kiện trong tháng 12 đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong ký ức của tôi. Đó là một khối lượng hoài niệm. Ta còn em, cũng có nghĩa là ta mất em rồi”. Bài thơ không viết về chiến tranh, mà viết về những hoài niệm.

Có một câu chuyện ít ai biết, đó là “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, rất nổi tiếng qua bài hát của nhạc sĩ Phú Quang. Nhà thơ Phan Vũ kể chuyện, “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”, không giống như nhiều hình tượng khác trong thơ ông, mà gắn với một con người cụ thể. Đó là bà Trịnh Thị Nhàn, người con gái trong gia đình nghệ sĩ nổi tiếng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và họa sĩ Nguyễn Thị Khang, chị gái của họa sĩ Trịnh Thị Nhàn và dịch giả Trịnh Lữ. Bà Nhàn nhà ở phố Quan Thánh, chơi đàn piano rất hay, “ngang ngửa Đặng Thái Sơn”. Nhà thơ kể, trước kia, ông và nhà thơ Dương Tường đều mê mẩn tiếng đàn, thỉnh thoảng lại qua nhà bà Nhàn nghe đàn. Năm 1972, bom Mỹ ném khắp nơi, căn nhà bên cạnh nhà bà Nhàn bị phá tan tành. Khi nhà thơ chạy sang đến nơi, chỉ còn cây đàn dương cầm vỡ nát, những bản giấy chép nhạc bay lả tả khắp nơi. Sau này bà Nhàn sang Pháp sinh sống, ở một vùng ngoại ô khá hẻo lánh, trong một toà nhà cổ gần như bị bỏ hoang, và trong toà nhà có những cây đàn piano mà chính nghệ sĩ Đặng Thái Sơn từng chơi.

Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tái ngộ độc giả sau gần nửa thế kỷ ảnh 3

Nhà thơ Phan Vũ sinh ở Hải Phòng vào năm 1926. Bên cạnh là nhà thơ, ông còn được biết đến với các vai trò khác như tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ.

Trong một lần chia sẻ, ông nói, thơ ông khó phổ nhạc. Đến nay, ngoài “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời của ca khúc “Tình ca cho em” của nhạc sĩ Nguyễn Nam, được biết đến qua tiếng hát Hồng Hạnh - người đàn bà ôm đàn hát tình ca một thời. Đầu những năm 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, lui về ở ẩn và có một số triển lãm chung và riêng tại TP Hồ Chí Minh.