Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình cho biết: Thông tư số 08 ban hành ngày 2/6/2023 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các trung tâm kiểm định.
Theo tính toán, để đầu tư hệ thống thiết bị bảo đảm đúng quy chuẩn đăng kiểm, chủ đầu tư tại đây phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 17-01D luôn có từ 70-80 phương tiện đến kiểm định theo quy định và hạch toán có lãi.
Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, khi Thông tư 08 được áp dụng thì lượng phương tiện đến kiểm định giảm gần một nửa. Nhiều thời điểm trong ngày, 2 dây chuyển kiểm định của Công ty trong tình trạng dừng hoạt động vì không có xe vào thực hiện kiểm định. Khu sân bãi rộng lớn trong Trung tâm cũng vắng bóng phương tiện, không còn cảnh xếp hàng dài như trước.
2 dây chuyền "nằm chờ" phương tiện đến kiểm định. |
Theo ông Thanh, đối với các xe từ 13 đến 20 năm sử dụng, trước đây 6 tháng một lần thực hiện đăng kiểm, giờ được giãn chu kỳ thành 12 tháng. Bên cạnh đó, các xe mua mới khi đến Trung tâm chỉ cần làm thủ tục, cấp tem, không phải nộp phí kiểm định.
Lượng phương tiện đến kiểm định sụt giảm mạnh, trong khi mức phí kiểm định theo quy định của Nhà nước đến nay không tăng dẫn đến mất cân đối trong thu chi tại Trung tâm.
Hiện tại, nguồn thu duy nhất từ phí kiểm định phương tiện không đủ trả lương cho 25 cán bộ, công nhân viên đang làm việc.
Dự kiến, trong 1-2 tháng tới, Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình sẽ tiến hành cho người lao động nghỉ luân phiên. Nếu tình hình không thay đổi, Công ty sẽ buộc phải tính đến việc cắt giảm biên chế, cho một số lao động nghỉ việc, chỉ giữ lại những người có tay nghề giỏi.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ có 2 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ. Đơn vị còn lại là Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 17-02D, nằm trên địa bàn xã Đông Các, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự.