Trung Quốc vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới đầu tiên trên thế giới

NDO - Sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm với 168 giờ vận hành liên tục, nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR) Shidaowan chính thức được đưa vào vận hành thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR) Shidaowan. (Ảnh: wfcmw.cn)
Nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR) Shidaowan. (Ảnh: wfcmw.cn)

Theo Tân Hoa Xã, dự án lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR) Shidaowan đặt ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, là thành quả của công trình nghiên cứu công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, được Trung Quốc phát triển độc lập và có quyền sở hữu trí tuệ.

Với việc đưa vào vận hành thương mại, đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới.

Dự án có công suất lắp đặt 200.000kW, được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012. Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Điện hạt nhân Huaneng Shidaowan, được thành lập bởi Tập đoàn Huaneng, Đại học Thanh Hoa và Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc.

Được biết, mục tiêu của hệ thống năng lượng điện hạt nhân thế hệ thứ tư là bảo đảm tính hiệu quả về kinh tế, an toàn và chắc chắn trong vận hành điện hạt nhân, đòi hỏi hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao, tạo ra ít chất thải, có khả năng phòng ngừa khuếch tán và xâm nhập từ bên ngoài, là hướng phát triển tiếp theo của ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân thế giới.

Trong đó, công nghệ HTGR có tính năng an toàn, hiệu suất phát điện và khả năng thích ứng môi trường cao, ngay cả trong trường hợp mất khả năng làm mát và không thực hiện bất kỳ biện pháp can thiệp nào, lò phản ứng vẫn có thể duy trì ở trạng thái an toàn và không xảy ra hiện tượng nóng chảy lõi hoặc rò rỉ chất phóng xạ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ HTGR có phạm vi ứng dụng rộng rãi, với nhiều triển vọng trong tương lai, góp phần tối ưu hóa cơ cấu năng lượng, bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon.

Để thực hiện dự án này, các nhà khoa học Trung Quốc đã làm chủ hàng loạt công nghệ cốt lõi hàng đầu trong ngành điện hạt nhân, nghiên cứu và phát triển hơn 2.200 bộ thiết bị đầu tiên trên thế giới, đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 93,4%, góp phần đẩy mạnh phát triển an toàn ngành điện hạt nhân, nâng cao khả năng đổi mới công nghệ điện hạt nhân ở nước này.