Trung Quốc phóng mô-đun lõi Tianhe, khởi động dự án xây trạm không gian

NDO -

11 giờ 23 phút ngày 29-4, theo giờ địa phương, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo mô-đun lõi Tianhe (Thiên Hòa) được phóng lên vũ trụ, đây là mô-đun lõi tàu vũ trụ đầu tiên được đưa lên không gian, đánh dấu dự án xây dựng trạm không gian riêng của Trung Quốc chính thức được khởi động.

Khoảnh khắc tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo mô-đun lõi Tianhe phóng vào không gian.
Khoảnh khắc tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo mô-đun lõi Tianhe phóng vào không gian.

Trong hạng mục thứ ba của chiến lược phát triển “ba bước tiến” dự án đưa người lên vũ trụ, dự án trạm không gian Trung Quốc sẽ có 11 lượt phóng tên lửa mang theo các thiết bị khác nhau, bao gồm ba lần phóng mô-đun lõi trạm không gian, bốn lần phóng tàu chở hàng, bốn lần phóng tàu chở người. Theo kế hoạch, dự án xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo này sẽ được hoàn thành vào năm 2022. Một trạm không gian mang tên “Thiên Cung” của Trung Quốc sẽ chính thức có mặt trong vũ trụ.

Trong hai năm tới, mô-đun Tianhe sẽ lần lượt kết hợp cùng các tầu vũ trụ Tianzhou (Thiên châu), Shenzhou (Thần châu), Wentian (Vấn thiên), Mengtian (Mộng thiên) trong các lần phóng tiếp theo, trên quỹ đạo cách trái đất 400 km.

Với trọng lượng 22,5 tấn, mô-đun lõi Tianhe là hệ thống trung tâm của trạm không gian, với khả năng tiếp nhận tàu chở hàng và chở phi hành gia tới làm việc, tại khu chức năng bên trong gồm các khu vực nghỉ ngơi, vệ sinh, ăn uống, theo dõi và rèn luyện sức khỏe.

Trạm không gian Trung Quốc ngoài khoang lõi Tianhe, sẽ cùng với hai khoang thí nghiệm Wentian và Mengtian tạo thành cấu hình cơ bản, có thời gian vận hành trong 15 năm. Tổ hợp này có thể đỡ được hơn 10 tấn thiết bị bên ngoài, có sức chứa từ ba đến sáu phi hành gia.