Trung Quốc nỗ lực khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế

NDO - Quý II/2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,4% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 2 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách làm thủ tục kiểm tra xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay ở thành phố Ngân Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)
Hành khách làm thủ tục kiểm tra xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay ở thành phố Ngân Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: HỮU HƯNG)

Ngày 15/7, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc tổ chức họp báo công bố các số liệu phát triển kinh tế-xã hội trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 đạt 29.246,4 tỷ nhân dân tệ, tăng 0,4%; trong đó, nông nghiệp tăng 4,4%, công nghiệp tăng 0,9%, dịch vụ giảm 0,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP đạt 56.264,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,5%; trong đó, nông nghiệp tăng 5%, công nghiệp tăng 3,2%, dịch vụ tăng 1,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ngành tiêu dùng chịu tác động nặng nề của các biện pháp hạn chế phòng dịch, tổng doanh thu bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng xã hội đạt 21.043,2 tỷ nhân dân tệ, giảm 0,7% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, ngành dịch vụ ăn uống giảm tới 7,7%.

Đầu tư vào tài sản cố định đạt 27.143 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,1% so cùng kỳ, trong đó đầu tư vào kết cấu hạ tầng và ngành chế tạo lần lượt tăng 7,1% và 10,4%. Tuy nhiên, đầu tư vào bất động sản giảm 5,4%; diện tích bán nhà ở thương mại đạt 689,23 triệu m2, giảm 22,2%; doanh số bán nhà ở thương mại đạt 6.607,2 tỷ nhân dân tệ, giảm 28,9%.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,7% so cùng kỳ năm ngoái; có thêm 6,54 triệu vị trí việc làm mới ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp bình quân theo điều tra đạt 5,7%; thu nhập bình quân người dân đạt 18.463 nhân dân tệ, tăng 3% sau khi trừ đi các yếu tố về giá cả.

Theo ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, nền kinh tế nước này đối mặt môi trường quốc tế phức tạp và tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước cùng nhiều tác động bất lợi ngoài dự kiến, tạo ra sức ép giảm đà tăng trưởng rất lớn.

Trong nửa cuối năm, các địa phương và bộ, ngành nước này tiếp tục kiên trì công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện hiệu quả gói giải pháp chính sách ổn định nền kinh tế, nhằm sớm khôi phục tốc độ tăng trưởng theo mục tiêu đề ra.