Trung Quốc đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng

NDO -

NDĐT - Trung Quốc xác định sẽ đầu tư 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 119 tỷ USD) xây dựng đường sắt, 1.800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 268 tỷ USD) xây dựng đường bộ và đường thủy; đồng thời, sẽ khởi công một số công trình thủy lợi quan trọng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, logistic, hàng không dân dụng…

Ảnh minh họa: Xây dựng đường sắt cao tốc Xicheng ở Trung Quốc. (Ảnh: gov.cn)
Ảnh minh họa: Xây dựng đường sắt cao tốc Xicheng ở Trung Quốc. (Ảnh: gov.cn)

Những mục tiêu đầu tư năm 2019 được Chính phủ Trung Quốc xác định trong Báo cáo công tác Chính phủ, đã được Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc vụ viện Hà Lập Phong khẳng định tại buổi họp báo kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 13 Trung Quốc.

Người đứng đầu cơ quan quản lý và hoạch định chính sách đầu tư của Chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phải khắc phục tình trạng tràn lan, dàn trải, làm nổi bật trọng điểm đầu tư, khuyến khích và đẩy mạnh đầu tư xã hội, nhất là vai trò của đầu tư tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.

Năm 2018, tổng đầu tư toàn xã hội Trung Quốc tăng 5,9%, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so các năm trước; theo Chính phủ Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu là do sức ép từ xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các mâu thuẫn sâu sắc, khó khăn và vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển đổi và nâng cấp của doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong đầu tư toàn xã hội, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm chưa đến 5%, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ công đô thị và các vấn đề dân sinh khác. Đầu tư tư nhân chiếm tới 62%, tập trung vào các ngành sản xuất và trang thiết bị, công nghệ, nên có vai trò rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng tổng giá trị đầu tư toàn xã hội.

Chính phủ Trung Quốc xác định, đầu tư tư nhân và đầu tư từ ngân sách nhà nước phải kết hợp chặt chẽ, tạo nên nguồn lực tổng hợp trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư hạ tầng dịch vụ công cộng và đầu tư các ngành sản xuất ở Trung Quốc.

Để khuyến khích đầu tư trong xã hội, Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như giảm các rào cản đầu vào, mở rộng không gian đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vấn đề tồn tại khách quan như vay vốn ngân hàng, nâng cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư…