Quy định của pháp luật Trung Quốc về biển số xe
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an Trung Quốc, tính đến hết tháng 6 năm 2023, nước này có tổng cộng 426 triệu phương tiện cơ giới, trong đó có 328 triệu ô-tô; 513 triệu người điều khiển phương tiện cơ giới, trong đó có 475 triệu người lái ô-tô. Riêng nửa đầu năm 2023, cả nước có thêm 16,88 phương tiện đăng ký mới, 11,91 triệu người được cấp giấy phép lái xe.
Một chủ xe năng lượng mới ở tỉnh Hà Bắc nhận biển số xe. (Ảnh: Sohu.com) |
Để quản lý lượng phương tiện và người điều khiển khổng lồ, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, Trung Quốc không ngừng bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan quản lý phương tiện cơ giới, trong đó quy định nhất quán nội dung biển số xe là một loại kết quả thủ tục hành chính, cấp cho người sở hữu phương tiện, để gắn quyền lợi và trách nhiệm của chủ xe trong suốt quá trình sở hữu, sử dụng phương tiện.
Quy định hiện nay đang áp dụng theo Lệnh số 164 của Bộ Công an Trung Quốc quy định về việc đăng ký xe cơ giới, chính thức có hiệu lực từ 1/5/2022. Trong đó, nội dung biển số xe được quy định cụ thể như sau:
Đối với trường hợp đăng ký cấp biển số và giấy phép lưu hành phương tiện (đăng ký xe) lần đầu, chủ phương tiện nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan quản lý phương tiện nơi cư trú. Sau khi cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân, xuất xứ phương tiện, bảo hiểm bắt buộc, chứng từ hoàn thành nghĩa vụ thuế, chứng nhận tiêu chuẩn an toàn..., cơ quan quản lý sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe, giấy phép lưu hành và dấu kiểm định.
Chủ xe ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, tự thao tác chọn biển số trên hệ thống. (Ảnh: Sohu.com) |
Các trường hợp phải thay đổi biển số xe:
Chuyển đến địa phương khác: Chủ phương tiện chuyển nơi cư trú đến tỉnh, thành phố khác, cần làm thủ tục chuyển đi tại cơ quan quản lý phương tiện cấp tỉnh cũ, chuyển đến tại cơ quan quản lý phương tiện cấp tỉnh mới, để được cấp giấy phép lưu hành và biển số xe mới.
Trường hợp chủ sở hữu là 2 người trở lên, có nhu cầu đổi tên chủ sở hữu ghi trên giấy phép lưu hành (chỉ được ghi tên 1 người) sang đồng sở hữu khác, có thể làm thủ tục thay đổi với cơ quan quản lý phương tiện. Khi được chấp nhận, giấy phép lưu hành và biển số cũ sẽ bị thu hồi; để cấp giấy phép và biển số mới.
Chuyển nhượng xe: Chủ sở hữu chỉ có thể chuyển nhượng xe sau khi xử lý hết các lỗi vi phạm giao thông, trách nhiệm trong các vụ tai nạn giao thông liên quan. Trong vòng 30 ngày kể từ khi bàn giao xe cho chủ mới, phải đăng ký thủ tục chuyển nhượng (sang tên) với cơ quan quản lý phương tiện. Nếu đủ điều kiện, cơ quan quản lý phương tiện sẽ thu hồi giấy phép và biển số cũ; cấp giấy phép và biển số mới cho người nhận chuyển nhượng.
Sau khi chuyển nhượng (sang tên), cơ quan quản lý phương tiện sẽ thu hồi giấy phép và biển số cũ; cấp giấy phép và biển số mới cho người nhận chuyển nhượng.
Đổi biển số giữa các phương tiện cùng sở hữu: Các biển số xe khác nhau, của cùng một chủ sở hữu, có thể đề nghị cơ quan quản lý phương tiện cho phép đổi biển số giữa các xe, với điều kiện: các xe được đăng ký ở cùng khu vực; biển xe cùng loại; đều được sử dụng vào mục đích không phải kinh doanh; một xe chỉ được đổi biển 1 lần trong 1 năm.
Từ 15/8, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại biển số xe
Các trường hợp phải hủy đăng ký: Phương tiện đã đạt đến tiêu chuẩn phải hủy bỏ theo quy định niên hạn của nhà nước hoặc theo nhu cầu tự nguyện của cá nhân; hư hỏng, không thể sử dụng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn giao thông; bị trả lại do vấn đề chất lượng; hoặc không thể lưu hành vì lý do khác.
Trong trường hợp chuyển nhượng hoặc hủy đăng ký xe, chủ sở hữu có thể đề nghị cơ quan quản lý cho phép sử dụng biển số cũ, đối với xe mới nếu đáp ứng các điều kiện sau: Đề nghị sử dụng biển số cũ trong vòng 2 năm kể từ khi chuyển nhượng hoặc hủy đăng ký xe; biển số cũ đã có thời gian sử dụng trên 1 năm; các lỗi vi phạm giao thông và trách nhiệm liên quan trong các vụ tai nạn giao thông đã được xử lý xong.
Trong trường hợp chuyển nhượng hoặc hủy đăng ký xe, chủ sở hữu có thể đề nghị cơ quan quản lý cho phép sử dụng biển số cũ, đối với xe mới nếu đáp ứng các điều kiện liên quan.
Có thể thấy, những quy định của pháp luật Trung Quốc hiện nay tương đối chặt chẽ khi gắn “biển số định danh” với quyền lợi và trách nhiệm của chủ xe. Điều này góp phần nâng cao ý thức của người sở hữu, sử dụng phương tiện trong quá trình tham gia giao thông, tạo thuận lợi để cơ quan chức năng triển khai các biện pháp quản lý, điều tiết giao thông từ xa, áp dụng các biện pháp hành chính để duy trì số lượng phương tiện ở mức hợp lý, khuyến khích người dân di chuyển bằng các phương tiện công cộng, phát triển hệ thống giao thông xanh, văn minh, hiện đại và thông minh.
Thực tiễn tại thủ đô Bắc Kinh
Quản lý theo "biển số định danh" tạo điều kiện để triển khai các biện pháp hành chính hạn chế lưu lượng, điều tiết giao thông. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Là thủ đô của đất nước hơn 1,4 tỷ dân, thành phố Bắc Kinh là “siêu đô thị”, với khoảng 22 triệu dân, 7,128 triệu phương tiện cơ giới (tính đến cuối năm 2022), hơn 6 triệu ô-tô (tính đến hết tháng 6 năm 2023). Số lượng xe cộ khổng lồ khiến hệ thống giao thông của thành phố rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Do vậy, việc hạn chế lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường được cơ quan quản lý thành phố xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán giao thông của địa phương.
Ngoài việc hạn chế lưu lượng phương tiện theo biển số xe (chia tất cả ô-tô thành 5 loại dựa trên số cuối cùng của biển số, để luân phiên cấm lưu hành vào khung giờ cao điểm 7 đến 20 giờ một trong 5 ngày làm việc trong tuần), việc hạn chế số lượng biển xe cấp mới cũng được cho là biện pháp hữu hiệu để duy trì tổng lượng phương tiện ở mức hợp lý, giảm tải cho hệ thống giao thông đô thị.
Bắc Kinh áp dụng chính sách hạn ngạch cấp biển số xe ô-tô thường niên, với mục đích kiểm soát hợp lý mức tăng số lượng ô-tô cá nhân, giảm bớt ùn tắc giao thông, cải thiện chất lượng và bảo vệ môi trường. Theo đó, đối tượng xin cấp biển số xe được phân thành 4 nhóm: hộ gia đình chưa có ô-tô; cá nhân; tổ chức; taxi. Còn hạn ngạch cấp biển số xe ô-tô được phân thành 2 nhóm: nhóm xe xăng truyền thống và nhóm xe năng lượng mới (sử dụng toàn bộ hoặc một phần điện năng, thân thiện với môi trường). Để có được một biển số xe, nhóm xin cấp biển số xe xăng truyền thống sẽ phải bốc thăm; còn nhóm xe năng lượng mới sẽ áp dụng phương thức tính điểm xếp thứ tự chờ đến lượt nhận biển.
Cơ quan chức năng thành phố Bắc Kinh "gắn biển" cho ô-tô năng lượng mới đầu tiên được cấp phép lưu hành. (Ảnh: Gov.cn) |
Việc bốc thăm biển số xe xăng truyền thống, được thành phố Bắc Kinh triển khai từ năm 2011, trong đó hạn ngạch phân bổ cho xe cá nhân giảm dần, cụ thể là giai đoạn 2011-2013 cấp ra 240.000 biển/năm; hai năm tiếp theo lần lượt giảm xuống còn 130.000 và 120.000 biển/năm; giai đoạn 2016-2020 giảm còn khoảng 40.000 biển/năm, trong khi số người đăng ký bốc thăm liên tục tăng, khiến tỷ lệ xác suất bốc trúng giai đoạn 2020-2021 là 3,5/10.000, nghĩa là khoảng 2.800 người bốc mới có một người trúng.
Trong khi đó, phương pháp tính điểm dành cho xe năng lượng mới được thực hiện từ năm 2015, hạn ngạch phân bổ cho xe cá nhân tăng dần từ mức 30.000 biển/năm giai đoạn 2015-2017 lên 60.000 biển/năm giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, lượng người đăng ký tính điểm xếp thứ tự cũng tăng từ 200.000 người năm 2018 lên mức 470.000 người năm 2020, tính ra trung bình một người phải chờ 8 năm mới được cấp biển số xe ô-tô năng lượng mới.
Trước thực tế có gia đình có nhiều ô-tô cá nhân, có gia đình chưa được sở hữu ô-tô cá nhân, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã điều chỉnh chính sách tính điểm ưu tiên cho hộ gia đình chưa có xe... Năm 2023, chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ cấp 100.000 biển đăng ký số xe ô tô mới. Xu hướng phân bổ hạn ngạch sẽ dành cho xe năng lượng mới và nhóm gia đình chưa sở hữu ô-tô nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế quy mô, số lượng phương tiện cá nhân ở thành phố Bắc Kinh là một biện pháp hành chính hiệu quả dựa trên cơ sở là các quy định về “biển số định danh” mà Trung Quốc đã áp dụng lâu nay.
Thực tế cho thấy, việc hạn chế quy mô, số lượng phương tiện cá nhân ở thành phố Bắc Kinh là một biện pháp hành chính hiệu quả dựa trên cơ sở là các quy định về “biển số định danh” mà Trung Quốc đã áp dụng lâu nay. Quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu không quá 1 biển số, cũng như ô-tô chỉ được cấp biển số trong trường hợp chủ xe đã có 1 "chỉ tiêu" sở hữu xe hợp pháp, đồng nghĩa với việc, trước khi mua xe mới hoặc nhận chuyển nhượng, cần sở hữu 1 "chỉ tiêu", hay chính là biển số định danh của riêng mình.
Song song với việc duy trì một quy mô hợp lý các phương tiện cá nhân, trong đó vẫn dành ưu tiên cho các loại xe năng lượng mới, thân thiện với môi trường, thành phố phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng gồm xe buýt, tàu điện ngầm, xe đạp chia sẻ…, vừa giúp hạn chế ùn tắc, lại góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Xe đạp điện được gắn biển ở thành phố Thanh Đảo. (Ảnh: Qq.com) |
Không chỉ Bắc Kinh, mà nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu, Thâm Quyến… cũng đang áp dụng nhiều quy định, biện pháp hành chính dựa trên “biển số định danh”, để giải quyết những bài toán lớn của đô thị, thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông xanh, thông minh, thân thiện, văn minh và hiện đại.