Do các chính sách đóng cửa và phong tỏa nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Philippines giảm 9,6% năm 2020. Dù được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực Ðông Nam Á trong năm 2022, song Philippines cũng đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao. Ngoài ra, giới phân tích nhận định, Philippines cũng sẽ đối mặt những khó khăn liên quan tình trạng nghèo đói, tỷ lệ thất nghiệp cao và gia tăng bất bình đẳng. Ðây là những thách thức mà chính quyền mới của Philippines phải đối mặt trong thời gian tới.
Theo kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra tháng 5 vừa qua, ông Ferdinand Marcos giành chiến thắng với hơn 31,6 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 58,77% số phiếu bầu, gấp hai lần ứng cử viên đứng thứ hai là cựu Phó Tổng thống Leni Robredo (L.Rô-brê-đô). Ðiều này cho thấy sự ủng hộ của cử tri với các chính sách mà ông Ferdinand Marcos theo đuổi.
Trong thông điệp quốc gia, Tổng thống Ferdinand Marcos cho biết, chính phủ mới sẽ thực hiện quản lý chính sách tài khóa vững chắc và đặt mục tiêu tăng trưởng của Philippines năm 2022 là khoảng từ 6,5% đến 7,5% GDP và trong giai đoạn 2023-2028 là từ 6,5% đến 8% hằng năm. Nhằm thực hiện mục tiêu này, chính quyền mới sẽ tiến hành cải cách hệ thống thuế và lĩnh vực nông nghiệp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư và khách du lịch.
Sản lượng nông nghiệp hiện chiếm khoảng 10% GDP của Philippines. Nhằm tạo động lực tăng trưởng, chính quyền mới của Philippines sẽ thúc đẩy cải cách nông nghiệp, trong đó tập trung tăng sản lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Tổng thống Ferdinand Marcos cũng sẽ cho phép nông dân hoãn trả nợ nhằm tận dụng các nguồn lực để tăng sản lượng. Ông Ferdinand Marcos cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của việc ứng dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một trong những ưu tiên cũng được chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos thúc đẩy là tiếp tục thực hiện các kế hoạch về cơ sở hạ tầng của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (R.Ðu-tơ-tê), với trọng tâm mới là xây dựng và nâng cấp hệ thống đường sắt. Theo đó, mức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ được duy trì ở mức 5%-6% GDP.
Tổng thống Ferdinand Marcos cho biết, điều này sẽ góp phần tăng cường kết nối quốc gia có hơn 7.600 hòn đảo lớn, nhỏ; đồng thời tận dụng hiệu quả vị trí chiến lược của nước này tại Thái Bình Dương. Ngoài ra, Tổng thống Ferdinand Marcos cũng cam kết cải thiện hệ thống y tế và điều kiện làm việc của nhân viên y tế; đồng thời đưa hệ thống chăm sóc sức khỏe đến gần hơn với người dân.
Về đối ngoại, người phát ngôn của Tổng thống Ferdinand Marcos cho biết, chính sách của chính quyền mới sẽ mang tính bao trùm, trong đó lợi ích của người dân Philippines và lợi ích quốc gia sẽ được đặt lên hàng đầu. Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ nhằm góp phần phục hồi nền kinh tế Philippines hậu Covid-19.
Giới phân tích nhận định, Tổng thống Ferdinand Marcos đã đưa ra các quyết định đúng đắn trong hoạch định chính sách, cũng như khi bổ nhiệm nhiều nhà kinh tế vào các vị trí trong chính phủ mới. Bên cạnh đó, việc ông Ferdinand Marcos kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp cũng cho thấy quyết tâm thúc đẩy cải cách nông nghiệp.
Trong nhiệm kỳ sáu năm tới, Tổng thống Ferdinand Marcos sẽ phải nỗ lực thực hiện những cam kết đã đưa ra nhằm đáp ứng kỳ vọng của người dân. Trọng trách phục hồi nền kinh tế của đất nước với hơn 110 triệu dân là rất nặng nề. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua được giới chuyên gia nhận định là sẽ giúp tân Tổng thống Philippines khởi đầu nhiệm kỳ một cách thuận lợi.