Trồng rừng phủ xanh vùng khai thác khoáng sản ở Thái Nguyên

NDO -

Hoạt động khai thác khoáng sản góp phần tích cực phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhưng cũng để lại hệ luỵ về môi trường, nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đời sống người dân. Từng bước khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị khai thác khoáng sản nỗ lực trồng rừng, xanh hóa các vùng mỏ.

Trồng rừng phủ vành đai mỏ than Phấn Mễ.
Trồng rừng phủ vành đai mỏ than Phấn Mễ.

Hoạt động trong nhiều năm, mỏ Phấn Mễ trên địa bàn huyện Đại Từ và Phú Lương có ba bãi thải đất đá, đổ thải cao như núi đã từng xảy ra sạt lở, vùi lấp gây chết người. Đầu năm 2020, tại bãi thải 3 đã diễn ra tình trạng sạt trượt có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.

Khắc phục vấn đề này, Giám đốc Mỏ than Phấn Mễ Nguyễn Xuân Tú cho biết: “Những năm vừa qua, chúng tôi tiến hành cắt tầng, san gạt bãi thải 1 và 2 trở về độ dốc an toàn, sau đó trồng rừng phủ xanh bãi thải, khi rừng khép tán, bãi thải trở về trạng thái ổn định, an toàn, môi trường được phục hồi và tiến hành bàn giao cho địa phương quản lý”.

Đầu năm 2022, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khai thác lộ thiên, Mỏ than Phấn Mễ tiến hành cải tạo bãi thải 3 và trồng hơn 60 ha rừng, phủ xanh bãi thải 3 và vành đai moong khai thác lộ thiên. Đến nay, hầu hết diện tích bãi thải, vành đai Mỏ than Phấn Mễ đã được trồng rừng, phủ xanh.

Tương tự như vậy, với 2 bãi thải đất đá, đến nay Mỏ than Khánh Hòa trên địa bàn xã Phúc Hà, Sơn Cẩm trồng hơn 20 ha phủ xanh bãi thải. Giám đốc Công ty than Khánh Hòa Bùi Ngọc Hùng chia sẻ: “Việc từng bước phủ xanh bãi thải không chỉ cải tạo bề mặt, tránh phong hóa, chống xói mòn, chống bụi vào mùa khô, sạt lở vào mùa mưa, mà còn là giải pháp cốt lõi phục hồi môi trường”.

Với diện tích rộng lớn, bao gồm các khu vực nhà máy chế biến, moong khai thác, bãi thải, đến nay Mỏ vonfram Núi Pháo trên địa bàn huyện Đại Từ đã cơ bản thiết lập được vành đai xanh bằng việc trồng cây, trồng rừng; những khu vực không còn hoạt động đổ thải cũng đã được xanh hóa để phục hồi môi trường.

Hiện nay, khu vực Mỏ Thác Lạc ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ; Mỏ than Bá Sơn ở xã Sơn Cẩm, thành Phố Thái Nguyên là các mỏ lớn từng có hoạt động khai thác khoáng sản đang khẩn trương thực hiện đề án phục hồi môi trường, xanh hóa vùng mỏ, hoặc tái sử dụng quỹ đất vùng mỏ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản chưa có ý thức bảo vệ môi trường, hết thời hạn không tự giác dừng khai thác, lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường như cam kết ban đầu.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang cho biết: “Chúng tôi đang rà soát, đôn đốc các mỏ khai thác khoáng sản hết hạn khai thác trong vòng một năm phải lập đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, nếu quá thời hạn sẽ lập hồ sơ, xử lý theo quy định”.