Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã phối hợp các công ty áp dụng cơ giới hóa máy sạ cụm và phun thuốc, rải phân bằng máy bay, sản xuất lúa thông minh giảm phát thải khí carbon trong mô hình trình diễn một số giống lúa mới chất lượng cao cho 10 hộ dân với diện tích 3,4 ha tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình.
Nông dân rảnh rỗi tìm thêm việc
Những ngày giữa tháng 10, cánh đồng lúa (thôn Bình Minh) có gắn tấm biển quy trình sản xuất giảm phát thải đang mọc cây non sau hơn một tháng gieo sạ. Với cánh đồng không dấu chân, nông dân chỉ còn công việc duy nhất là mỗi ngày chạy ra cánh đồng để quan sát mực nước. Nằm kế bên, những cánh đồng trồng theo phương pháp thủ công vẫn còn hình ảnh nông dân mang bình tưới phân, phun thuốc.
Một trong những người tham gia vào mô hình trồng lúa giảm phát thải, nông dân Bá Hữu Nhi phấn khởi cho biết, trước kia, 1.000 m2 gieo sạ bằng tay cần 25 kg lúa giống; còn với mô hình trồng lúa giảm phát thải được gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái (drone) chỉ cần 10 kg lúa giống. Mãn nhãn nhất là các kỹ sư thao tác điều chỉnh thông số trên phần mềm điện thoại và drone bay gieo sạ thẳng tắp, theo hàng, theo lối.
Hơn một tháng gieo sạ, cây lúa đạt chất lượng nhờ có đủ ánh sáng. So với gieo sạ bằng tay, cây lúa sẽ mọc lộn xộn và nhiều cây sẽ bị hư. Việc trồng công nghệ cao vừa giảm được lúa giống, sức lao động, phân, thuốc nên sẽ giảm chí phí, tăng lợi nhuận. Kỳ vọng mùa vụ này sản xuất được gạo chất lượng, bán được giá cao.
Mỗi ngày, nông dân chỉ ra đồng ruộng vào buổi sáng và buổi chiều để quan sát mực nước. Nếu lượng nước trong đồng ruộng thiếu hoặc thừa thì báo kỹ sư để điều chỉnh lại liều lượng phân, thuốc. Nhờ có thời gian nhàn rỗi, anh Nhi tập trung vào công việc bán quán nước ở nhà.
Cũng tham gia mô hình trồng lúa giảm phát thải, chị Văn Thị Đề Oanh (hiện đang làm giáo viên) chỉ cần mỗi buổi lên trường, đi ngang qua cánh đồng xem mực nước. Nhờ vậy, chị có thời gian nghiên cứu thêm phương pháp giảng dạy mới, cũng như chăm lo được cho gia đình. Những nông dân khác từ sau khi liên kết trong dự án mô hình trồng lúa giảm phát thải đã tìm thêm công việc khác để làm.
Trước đó, đầu tháng 9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận triển khai dự án mô hình trồng lúa giảm phát thải tại thôn Bình Minh. Ngày đầu tiên gieo sạ bằng drone đã có nhiều nông dân hào hứng ra cánh đồng để xem trình diễn. Chỉ 30 phút, drone gieo sạ xong 1 ha ruộng lúa. Ngay sau khi trình diễn, nhiều người dân chưa được liên kết rất mong muốn được tham gia dự án.
Theo liên kết, Công ty cổ phần Công nghệ Nano BSB giám sát quy trình canh tác, đưa ra giải pháp canh tác giảm phân bón, giảm thuốc và tăng năng suất. Công ty NetZero carbon Việt Nam thu mua giảm phát thải. Công ty Spiro Carbon Mỹ đo đạc quan trắc theo UNFCCC của Liên hợp quốc.
Điều quan trọng của người nông dân là chỉ theo dõi mực nước trong đồng ruộng để cho cây lúa không thiếu nước. Bởi trồng lúa giảm phát thải là yêu cầu phải có nguồn nước ổn định. Mô hình được gieo sạ theo quy trình canh tác lúa thông minh, áp dụng kỹ thuật tưới ngập-khô xen kẽ. Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý bởi vệ tinh của Spiro Carbon Group INC.
Chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi số
Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, Trung tâm tổ chức tập huấn các mô hình canh tác lúa bền vững SRP dựa trên nền tảng "một phải, sáu giảm" tích hợp nhiều tiến bộ mới.
"Một phải" là sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo. "Sáu giảm" gồm giảm hạt giống gieo trồng chỉ từ 80-120 kg/ha; phân bón nên sử dụng bảng so màu lá lúa để kiểm soát việc thừa phân đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết và tuân thủ theo nguyên tắc; lượng nước tưới; thất thoát sau thu hoạch; phát thải.
Song song đó, trung tâm đang xây dựng phần mềm Nông nghiệp số Bình Thuận. Chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, đạt lợi nhuận cao nhất. Vì vậy, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là tất yếu. Nông dân ứng dụng chuyển đổi số khâu ghi chép nhật ký điện tử nhằm minh bạch hóa quá trình sản xuất, thông qua hệ thống tem nhãn, xây dựng thương hiệu xanh và tạo sức cạnh tranh sản phẩm.
Trong năm nay, trung tâm hướng dẫn xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP-cánh đồng không dấu chân với quy mô 160 ha; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao với quy mô hơn 50 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, năm 2024, sở đã phối hợp các huyện để triển khai xây dựng 14.000 ha vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp thực tế sản xuất, điều kiện của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Thuận có hơn 17.700 ha diện tích ổn định vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao.
Trong đó, khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường. Tỉnh xây dựng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xây dựng năm chuỗi liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị; đào tạo, tập huấn hơn 3.000 hộ nông dân trồng lúa áp dụng các biện pháp kỹ thuật; xây dựng khoảng 30 mô hình trình diễn thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.
Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn nhằm kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực mạnh liên kết với hợp tác xã sản xuất bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, bán lúa với giá ổn định, cao hơn, tiêu thụ bền vững.