Trở thành Di sản thiên nhiên thế giới - cơ hội cho du lịch Cát Bà tăng tốc

Tháng 9 vừa qua, UNESCO đã chính thức công nhận cụm quần thể vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) là di sản thiên nhiên thế giới. Ðiều này đã mở ra cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành "công nghiệp không khói" ở Cát Bà tăng tốc bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ-một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.
Tàu du lịch trên vịnh Lan Hạ-một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước là một trong ba đột phá chiến lược phát triển của thành phố, trong đó Cát Bà và Ðồ Sơn là trọng điểm… Thành phố đã và đang nỗ lực để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Quần thể hơn một nghìn đảo đá vôi của Cát Bà (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên. Quần đảo Cát Bà ngoài vẻ đẹp theo tiêu chí mỹ học, địa chất địa mạo, còn có sự đa dạng sinh học với nhiều động, thực vật quý hiếm. Nơi đây đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Bảo tồn biển và vịnh Lan Hạ cũng đã được vinh danh là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam - thành viên của Ðoàn Việt Nam tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới vừa qua chia sẻ, vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là niềm vui, hạnh phúc của nhân dân Hải Phòng và Quảng Ninh nói riêng và của cả Việt Nam nói chung. Ðây cũng là di sản đầu tiên thuộc địa bàn quản lý liên tỉnh.

Thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải đã kiên trì và quyết liệt trong thực hiện sắp xếp, tiết giảm và chuẩn hóa các bè nuôi thủy sản trên vịnh biển nhằm vừa bảo đảm sinh kế cho người dân, vừa gìn giữ, tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên, phát triển du lịch. Nhiều cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư khang trang, hiện đại với các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí không chỉ làm thay da, đổi thịt huyện đảo, mà còn tạo cơ hội bứt phá cho du lịch và kinh tế-xã hội huyện đảo. Mới đây, lần đầu tiên Cát Bà được vinh danh ở hạng mục 10 đô thị thân thiện nhất Việt Nam năm 2023 do nền tảng du lịch booking.com công bố, thêm một điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hải Phòng.

Anh Nguyễn Xuân Thanh, du khách đến từ thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cùng bạn bè có chuyến du ngoạn Cát Bà chia sẻ, du lịch biển Cát Bà có nhiều điểm thú vị, khác hẳn nhiều vùng biển khác. Thoát khỏi những phố phường đông đúc với những toan lo tất bật của cuộc sống, du khách có điều kiện để thưởng ngoạn những cảnh thần tiên trên vịnh biển đẹp nhất thế giới và tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên "thiên đường nơi hạ giới" này.

Ngoại trừ chút "khó chịu" khi gặp cảnh tắc đường tại "nút thắt" phà biển Cái Viềng-Gót vào mùa cao điểm của du lịch biển, còn cảnh quan du lịch ở Cát Bà thì tuyệt vời, anh Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ thêm.

Với 358 đảo đá lớn nhỏ (đặc trưng của địa hình karst nhiệt đới bị ngập chìm do biển tiến Holocen) cùng cảnh quan độc đáo được người dân gọi tên theo hình dáng của vạn vật như hòn Guốc, Ớt, Chuông, Mai Rùa, Lã Vọng, Ðuôi Rồng, Báo, Sư Tử… Trên những hòn đảo đá tưởng như khô cằn đó, cây xanh vẫn mọc, tuy không sum suê phủ bóng, nhưng cũng đủ tạo mầu xanh mát với các hình dạng độc đáo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, để được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới là thành quả của hơn 12 năm nỗ lực chuẩn bị hồ sơ đệ trình cũng như vận động, bảo vệ, gìn giữ của các cấp, các ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân huyện đảo. Ðây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trong bảo tồn, phát huy tốt giá trị Di sản thiên nhiên thế giới này. Thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cũng như đầu tư nguồn lực về con người, các cơ sở lưu trú và bảo đảm tốt về an ninh trật tự, môi trường, giao thông, y tế…, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế đến ngày càng đông. Ðặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Hải Phòng và Quảng Ninh trong quản lý để luôn lưu giữ được hình ảnh tuyệt vời của di sản, cũng như là điểm đến hấp dẫn "níu chân", du khách. Khi đó, di sản không chỉ là danh hiệu, mà phải là thương hiệu.