Trở ngại với ngành nông nghiệp châu Âu

Biến đổi khí hậu đã khiến cho tỷ lệ các đợt hạn hán trên khắp Bắc bán cầu gia tăng ít nhất gấp 20 lần, trong đó, khu vực Tây và Trung Âu là những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Bờ hồ Le Broc tại Pháp, ngày 5/8/2022, trong tình trạng khô nứt. (Ảnh: Reuters)
Bờ hồ Le Broc tại Pháp, ngày 5/8/2022, trong tình trạng khô nứt. (Ảnh: Reuters)

Theo Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA), mùa hè năm nay, khu vực Bắc bán cầu chứng kiến các đợt hạn hán nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành nông nghiệp và sinh thái nơi đây. Châu Âu phải trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất kể từ thời Trung Cổ. Các đợt nắng nóng cực đoan liên tiếp diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 24.000 người tại Lục địa già.

Một trong các ngành phải gánh chịu thiệt hại đầu tiên từ hạn hán là ngành nông nghiệp. Hình ảnh cây cối héo úa, đất đai khô cằn nứt nẻ, các sông, hồ cạn trơ đáy và khói lửa ngùn ngụt bốc lên trong các vụ cháy rừng liên tục được bắt gặp tại châu Âu.

Châu Âu phải trải qua đợt hạn hán nặng nề nhất kể từ thời Trung Cổ. Các đợt nắng nóng cực đoan liên tiếp diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 24.000 người tại Lục địa già.

Nghiên cứu của WWA cho thấy, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ khô hạn gấp 5 lần ở lớp đất 7cm trên bề mặt đất ở khắp Bắc bán cầu. Thực tế này đe dọa nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp. Theo các nhà phân tích, điều kiện khí hậu hiện nay khiến tần suất xảy ra hạn hán vào mùa hè ở Bắc bán cầu là 20 năm một lần, rút ngắn hơn nhiều so với tần suất được ghi nhận vào giữa thế kỷ 18 là 400 năm một lần.

Những người nông dân ở châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về việc sản lượng thu hoạch các mặt hàng chủ lực thấp hơn đáng kể so với dự kiến do thời tiết khô hạn.

Theo Viện Khoa học khí quyển và khí hậu thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italia, năm 2022 là một trong những năm khô hạn nhất tại quốc gia châu Âu này kể từ khi các số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1800, đe dọa làm giảm ít nhất một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp của nước này.

Ở Slovenia, giới chức cảnh báo, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu sẽ bị mất mùa hoàn toàn trong năm nay. Còn tại Anh, sản lượng thu hoạch các loại cây trồng như hành tây, củ cải đường, táo dự kiến giảm từ 10% đến 50% trong năm nay. Thực tế nêu trên đe dọa làm tăng giá lương thực, vốn đã leo thang nhiều tháng nay do ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng tại Ukraine.

Liên hợp quốc mới đây kêu gọi các nước châu Âu cần tham vọng hơn trong đề ra các mục tiêu khí hậu vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của châu lục vẫn tăng. Liên hợp quốc cũng thúc giục các quốc gia phải đẩy mạnh tái chế, siết chặt các quy định về chất lượng không khí và tăng chi tiêu cho bảo vệ môi trường.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Ông Antonio Guterres nêu rõ, biến đổi khí hậu đã khiến châu Âu trải qua mùa hè nóng nhất trong vòng 500 năm, làm một phần ba diện tích quốc gia Pakistan phải hứng chịu cảnh ngập lụt, gây bão, lũ tại nhiều nơi ở Mỹ. Điều này chứng tỏ thực tế rằng không có quốc gia nào là ngoại lệ trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo các chuyên gia, tình trạng hạn hán nghiêm trọng sẽ diễn ra thường xuyên hơn ở châu Âu. Nhận thức chung về các hệ quả của biến đổi khí hậu đã có chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, song các nước cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu, vấn đề sống còn đối với tương lai nhân loại.