Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), 280 nhân viên cứu trợ tại 33 quốc gia đã thiệt mạng trong năm 2023. Hơn một nửa trong số này thiệt mạng chỉ tính trong ba tháng cuối năm qua do xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas. Bạo lực nghiêm trọng tại Sudan và Nam Sudan cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người làm công tác nhân đạo.
Khi mà các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, OCHA lo ngại rằng, con số này của năm 2024 có thể còn cao hơn. Ước tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 170 nhân viên cứu trợ thiệt mạng và hơn 150 người bị tấn công hoặc bắt cóc.
Khi nhân viên cứu trợ phải đối mặt nhiều rủi ro cũng đồng nghĩa với việc công tác hỗ trợ nhân đạo bị cản trở; hàng viện trợ thiết yếu không thể đến tay người dân ở các khu vực xung đột kịp thời sẽ làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực; sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm... Những mối đe dọa này không chỉ giới hạn ở các khu vực xung đột mà còn có nguy cơ lan rộng. Có thể thấy, thiếu đi sự giúp đỡ của lực lượng cứu trợ thì nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng sẽ càng thêm khó, nhất là trong bối cảnh nhu cầu viện trợ ở nhiều nơi ngày một cấp bách.
Trước thực trạng nêu trên, hơn 400 tổ chức nhân đạo trên thế giới bày tỏ lo ngại về tính mạng, sức khỏe của những người thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu. Trong bức thư gửi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhân Ngày Nhân đạo thế giới (19/8), các tổ chức này nêu rõ: Năm 2023, hàng chục nghìn dân thường đã chết hoặc bị thương do các cuộc xung đột và số nhân viên cứu trợ bị giết hại cao hơn gấp hai lần so với năm 2022. Sức khỏe tâm thần của người dân và nhân viên cứu trợ ở những nơi đầy rẫy hiểm nguy cũng bị ảnh hưởng ở mức chưa từng có.
Bất chấp việc bị dư luận quốc tế lên án, các bên tham gia xung đột vẫn phớt lờ tình trạng đáng báo động nêu trên. Rõ ràng những hành động này vi phạm Luật Nhân đạo quốc tế, các tổ chức nhân đạo kêu gọi các bên chấm dứt những cuộc tấn công nhằm vào dân thường, cũng như phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả tàn khốc đã gây ra. Các tổ chức này nhấn mạnh, việc tuân thủ Luật Nhân đạo quốc tế không có ngoại lệ. Qua bức thư, các tổ chức nhân đạo mong muốn cộng đồng quốc tế thúc đẩy nỗ lực bảo vệ dân thường, nhân viên và tình nguyện viên cứu trợ, cũng như những cơ sở hạ tầng, vật tư thiết yếu mà họ đang dựa vào, như đã được nêu trong nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tháng 5 vừa qua. Bức thư cũng đề cập việc tạo điều kiện thuận lợi để các nhân viên cứu trợ thực hiện nhiệm vụ.
Trong thông điệp nhân Ngày Nhân đạo thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá cao những thành quả mà các cơ quan, tổ chức nhân đạo đạt được dù phải đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng. Trong năm 2023, 140 triệu người đã nhận được sự trợ giúp từ các hoạt động nhân đạo do Liên hợp quốc điều phối. Với lòng dũng cảm và sự tận tâm, các nhân viên cứu trợ kiên trì vượt qua nhiều trở ngại, góp phần giảm bớt những đau khổ mà người dân vùng xung đột phải chịu đựng.
Việc tôn vinh người làm công tác nhân đạo là chưa đủ mà cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để bảo đảm an toàn cho dân thường và nhân viên cứu trợ trước xung đột, bạo lực.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Tuy nhiên, thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đồng tình với các tổ chức nhân đạo rằng, Luật Nhân đạo quốc tế đang bị phớt lờ và thậm chí là bị chà đạp. Ông Guterres nhấn mạnh, việc tôn vinh người làm công tác nhân đạo là chưa đủ mà cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để bảo đảm an toàn cho dân thường và nhân viên cứu trợ trước xung đột, bạo lực.
Theo OCHA, gần 300 triệu người trên thế giới đang cần được hỗ trợ nhân đạo. Rõ ràng, việc thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn này không chỉ cần các cam kết mà đòi hỏi phải có những hành động thiết thực. Dù có nhận được hồi đáp từ các bên liên quan hay không, các tổ chức nhân đạo vẫn khẳng định sẽ không rời đi và tiếp tục nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên thế giới.