Trở ngại lớn trên con đường hòa bình ở Yemen

Lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen gia tăng bắn phá các ngôi làng ở tỉnh Marib, Lahj, Dhale và Taiz gây lo ngại làm leo thang xung đột và trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở quốc gia nghèo trên bán đảo Arab. Chính phủ Yemen ra lệnh quân đội duy trì cảnh giác cao độ nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, trong bối cảnh Liên hợp quốc cảnh báo xung đột tái bùng phát trở lại sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực hòa bình và cứu trợ nhân đạo ở Yemen.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân sống trong các lều tạm ở Yemen. (Ảnh GETTY)
Người dân sống trong các lều tạm ở Yemen. (Ảnh GETTY)

Các khu dân cư và làng mạc tại nhiều nơi ở Yemen hứng chịu các trận pháo kích dữ dội do Houthi tiến hành. Tổ chức Giám sát Nhân quyền châu Âu-Ðịa Trung Hải (Euro-Med HRM) cho biết, khoảng ba triệu cư dân của thành phố Taiz đang thiếu thốn các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men do Houthi bao vây thành phố này.

Cuộc bao vây kéo dài nhiều năm của Houthi đã khiến đời sống của hàng triệu người ở thành phố Taiz ngày càng khó khăn. Taiz - thành phố lớn thứ ba của Yemen, bị Houthi bao vây kể từ năm 2015, khi lực lượng này không đánh chiếm được trung tâm thành phố do sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội chính phủ và các lực lượng đồng minh.

Liên hợp quốc mới đây đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xung đột tái bùng phát ở Yemen, sau gần một năm rưỡi tình hình tương đối yên bình tại quốc gia đang có chiến tranh này. Phát biểu trước các thành viên Hội đồng Bảo an cùng các quan chức Chính phủ Yemen và Saudi Arabia, Ðặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg (H.Grăn-bớc) cảnh báo về các mối đe dọa tái diễn chiến tranh. Ông kêu gọi các bên kiềm chế những lời lẽ gây leo thang căng thẳng và không có lợi cho việc duy trì một môi trường hòa giải hiệu quả. Ngoài ra, ông bày tỏ mong muốn các bên tiếp tục sử dụng và phát triển các kênh đối thoại được thiết lập thông qua Ủy ban Ðiều phối Quân sự (MCC) nhằm giảm nguy cơ xung đột tại khu vực.

Mỹ và Anh cũng cảnh báo về các cuộc tấn công và đe dọa leo thang từ phiến quân Houthi. Ðại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward (B.Út-uốt) kêu gọi nhóm vũ trang Houthi ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở các khu vực do chính phủ kiểm soát. Bà Woodward nêu rõ, các cuộc tấn công này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Yemen.

Trong khi đó, Ðại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield (L.T.Grin-phiu) nêu rõ, Washington lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải biển, cho rằng các cuộc tấn công này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo. Bà cho biết, Mỹ hoan nghênh việc Saudi Arabia gần đây đã hỗ trợ ngân sách 1,2 tỷ USD cho chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen. Bà cho rằng cần có thêm sự quan tâm và hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại quốc gia này.

Yemen chìm sâu vào cuộc xung đột dai dẳng sau khi nhóm vũ trang Houthi giành quyền kiểm soát một số thành phố phía Bắc và buộc chính phủ nước này phải rời thủ đô Sanaa năm 2014. Xung đột đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán lánh nạn, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực và gây ra nạn đói tràn lan, đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Là quốc gia nghèo nhất trên bán đảo Arab, nền kinh tế của Yemen đã suy sụp trong 8 năm chiến tranh. Chính phủ Yemen coi các hành động của Houthi như tấn công các cơ sở dầu mỏ, cấm hàng hóa được vận chuyển từ khu vực do chính phủ kiểm soát vào các vùng do Houthi chiếm giữ, là cuộc chiến kinh tế nhằm bòn rút tiền của chính phủ, buộc chính phủ chia sẻ nguồn thu dầu mỏ với lực lượng này, cũng như trả lương cho nhân viên trong các vùng do Houthi kiểm soát.

Phần lớn bạo lực đã lắng xuống kể từ khi Liên hợp quốc làm trung gian đàm phán thành công một thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên xung đột ở Yemen hồi tháng 4/2022. Từ tháng 10/2022, Houthi đã yêu cầu Chính phủ Yemen trả lương cho viên chức tại các vùng lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát và chia lợi nhuận thu được từ dầu mỏ để thỏa thuận ngừng bắn được nối lại. Thỏa thuận này đã liên tục được gia hạn, lần gần đây nhất vào ngày 6/4 vừa qua, theo đó lực lượng Houthi đồng ý ngừng bắn thêm 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế, xung đột tiếp diễn và con đường tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện cho Yemen tiếp tục gặp nhiều chông gai.