Sách Begie tháng 5 cho thấy số liệu và đánh giá mới nhất về tình hình kinh tế Mỹ tại 12 khu vực FED đảm trách. Theo đó, về tổng thể, nền kinh tế Mỹ tiếp tục mở rộng từ đầu tháng 4 tới giữa tháng 5/2024, song tăng trưởng không đồng đều tại các khu vực, rủi ro về suy thoái vẫn còn, chi tiêu bán lẻ không thay đổi, cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn khá thận trọng trong bối cảnh lạm phát chưa hạ nhiệt sâu.
Trong hơn 1 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ so với giai đoạn trước đó. Tại nhiều khu vực, chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhất là bảo hiểm và nhiên liệu. Xu thế này có thể kéo dài trong bối cảnh lạm phát vẫn cao hơn nhiều ngưỡng mục tiêu 2% của FED.
Theo báo cáo Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 31/5, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4/2024 duy trì tương đương mức của tháng trước đó, trong khi chi tiêu tiêu dùng suy yếu. Báo cáo cũng cho thấy giá hàng hóa tăng 0,2% trong tháng 4, sau khi tăng 0,1% trong tháng 3. Giá dịch vụ tăng 0,3%, thấp hơn so với mức tăng 0,4% của tháng 3, trong khi giá năng lượng tăng 1,2%.
Dữ liệu được công bố hôm 30/5 cũng ghi nhận chi cho tiêu dùng của Mỹ đang chậm lại, với mức tăng trưởng 2% trong quý I/2024, thấp hơn so với mức tăng 3,3% của quý IV/2023...
Thị trường lao động tại Mỹ có chút khởi sắc, khi việc làm tăng trưởng nhẹ. Hầu hết các khu vực, trừ một số ngành công nghiệp, không còn phải đối mặt tình trạng quá khan hiếm lao động; tăng trưởng tiền lương đạt mức trung bình và về ngang mức trước đại dịch Covid-19 tại một số khu vực. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu ADP, việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 4 tăng cao hơn dự kiến trong bối cảnh các công ty Mỹ đẩy mạnh tuyển dụng, phản ánh nhu cầu lao động vẫn cao.
Nhà Kinh tế trưởng tại ADP Nela Richardson cho biết, việc tuyển dụng diễn ra rộng rãi trong tháng 4, tăng mạnh nhất trong lĩnh vực giải trí, khách sạn và xây dựng. Chỉ có lĩnh vực thông tin, viễn thông, truyền thông và công nghệ thông tin báo cáo tình trạng mất việc làm và tốc độ tăng lương nhỏ nhất kể từ tháng 8/2021. Thị trường lao động mạnh mẽ hơn những gì các nhà kinh tế dự đoán. Bối cảnh lãi suất cao, nhu cầu về người lao động luôn ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, song khiến lạm phát vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, tăng trưởng tiền lương đã hạ nhiệt. Đối với những người "nhảy việc", tiền lương tăng 9,3%, giảm gần 1% so với tháng trước. Mức lương của những người "giữ việc" tăng 5%, tương tự mức tháng 3. Theo một số báo cáo, chỉ số chi phí lao động được FED theo dõi đã tăng tốc nhanh hơn dự báo trong quý I/2024, một dấu hiệu cho thấy áp lực tiền lương vẫn dai dẳng.
Trong khi đó, đối với một số ngành mũi nhọn, Sách Begie cho biết, doanh số bán ô-tô gần như đi ngang trong giai đoạn vừa qua, dù nhiều nhà sản xuất đã tung ra các chính sách ưu đãi để tăng doanh số bán hàng. Du lịch và lữ hành lại khởi sắc tại hầu hết các khu vực, nhờ động lực từ hoạt động du lịch giải trí và đặt phòng khách sạn tăng trước thời điểm mùa hè. Thị trường bất động sản chững lại và không có nhiều biến động do lo ngại về nguồn cung, điều kiện tín dụng thắt chặt và chi phí đi vay vẫn ở mức cao.
Các số liệu lạm phát và thị trường lao động mạnh hơn dự kiến từ tháng 1 đến tháng 3 vừa qua được cho là "vật cản" đối với kế hoạch hạ lãi suất của FED. Lãi suất được FED duy trì trong khoảng 5,25%-5,50% suốt 10 tháng qua và thị trường dự đoán khả năng bắt đầu hạ vào tháng 9 tới. Những số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng nhưng thiếu chắc chắn và đối mặt nguy cơ suy thoái lớn hơn, giới chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng FED bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng 9 tới vẫn còn mờ mịt.