Triển vọng phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone

NDO -

Ngày 12-5, Ủy ban châu Âu đưa ra các dự báo kinh tế mới nhất, nhận định rằng vào cuối năm 2021, tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone có thể đạt 4,3% và trở lại mức như trước khi xảy ra đại dịch.

EC dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% vào năm 2022. (Nguồn: EU - Le Monde)
EC dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% vào năm 2022. (Nguồn: EU - Le Monde)

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng ở khu vực này đang có nhiều dấu hiệu tích cực. GDP đã giảm tới 6,6% trong năm 2020 và tiếp tục giảm trong quý đầu tiên năm nay. Dù vậy, tăng trưởng GDP của khu vực dự kiến sẽ phục hồi ở mức 4,3%.

Mấy tháng gần đây, EC nhận thấy sự phục hồi kinh tế của khu vực đỡ bi quan hơn dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp do sự lây lan rất nhanh của các biến thế mới. Trong báo cáo công bố ngày 12-5, EC dự báo tăng trưởng GDP của Liên hiệp châu Âu có thể đạt 4,2% trong năm nay, rồi tăng lên 4,4% vào năm 2022.

Trước đó, tháng 2-2021, các chuyên gia của EC khó dự báo được mức tăng trưởng cho hai năm 2021 và 2022 và cho rằng, có thể ở mức thấp hơn so dự báo vừa đưa ra. Tình hình đang có nhiều dấu hiệu tích cực do chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc. Hiện đã có hơn 27,7% dân số của khu vực đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, giúp các nước thành viên dỡ bỏ dần các hạn chế và tạo động lực cho các hoạt động kinh tế.

Theo ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU), triển vọng tăng trưởng GDP của khu là khả quan. Tiêu dùng nội khối được thúc đẩy từ các khoản tiết kiệm trong thời gian có dịch. Sức tiêu dùng ngoài khu vực cũng sẽ gia tăng, nhất là từ Mỹ vì gói kích cầu lên tới 1.900 tỷ USD có thể mang lại mức tăng trưởng 0,3% cho châu Âu trong năm 2021 và khoảng 0,2% vào năm 2022.

EC dự tính đầu tư công tính theo phần trăm GDP vào năm 2022 có thể đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đó là do kế hoạch phục hồi 750 tỷ euro của châu Âu, gồm 390 tỷ euro  cứu trợ và 360 tỷ euro cho vay. Dự kiến quốc hội của 27 nước thành viên EU sẽ thông qua việc giải ngân để triển khai triển khai từ tháng 7.

Với những điều kiện như vậy, GDP của EU dự kiến phục hồi vào cuối năm 2021 và vào đầu năm 2022 đối với khu vực sử dụng đồng euro gồm 19 nước, tới mức của năm 2019. Nếu tình hình đúng như dự báo mới nhất, sự phục hồi kinh tế của khu vực sẽ diễn ra sớm hơn 6 tháng so với dự báo đưa ra trong tháng 2 vừa qua.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến một số ngành kinh tế, nhất là du lịch. Dù vậy, mức độ và thời điểm bị ảnh hưởng ở mỗi nước khác nhau. Các nước bắc và đông Âu như Phần Lan, Thụy Điển hay Slovakia có hồi phục nhanh hơn, tức là vào quý 2-2021. Đức có thể lấy lại đà tăng trưởng GDP vào cuối năm. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy có thể hồi phục vào cuối năm nay. Còn Pháp có thể phải chờ đến quý 1-2022 mới thoát khỏi suy thoái.

Đối với thị trường lao động, EC cho rằng cần nhiều thời gian hơn. Các nước trong khu vực đã gia tăng các gói hỗ trợ nhằm ngăn chặn sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp. Thị trường lao động bắt đầu hồi phục, tuy nhiên các doanh nghiệp cần thêm thời gian để chấm dứt tình trạng làm việc từ xa và tuyển dụng lại. Trong bối cảnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực sử dụng đồng euro dự kiến ở mức 8,4% trong năm 2021, rồi giảm xuống còn 7,8% vào năm 2022, vẫn cao hơn mức trước khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh.

Cùng việc đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng, EC cũng cho rằng khu vực vẫn phải đối mặt những rủi ro có thể làm giảm mức tăng trưởng GDP. Một phần là do sự phức tạp của các biến thể virus, dù có ít hơn mấy tháng trước. EC không loại trừ khả năng xảy ra hàng loạt vụ phá sản, gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, đồng thời cảnh báo các quốc gia thành viên về nguy cơ giảm sự niềm tin của người dân đối với sự phục hồi kinh tế quá nhanh. Khi đó có thể xảy ra nguy cơ rơi vào "bẫy tăng trưởng".

EC cũng dự báo thâm hụt công của Eurozone sẽ chiếm 8% trong năm nay và khoảng 4% trong năm tới. Chính vì vậy, một số nước trong khu vực muốn kéo dài thời gian đình chỉ Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng cho tới năm 2022.

Trong bối cảnh như vậy và do còn nhiều yếu tố rủi ro, các chuyên gia kinh tế châu Âu cho rằng, sự phục toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng và có thể mang lại nhiều tác động tích cực cho tăng trường GDP của khu vực.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư