Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Venezuela

Cũng giống như nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latin và Caribe, Venezuela đang phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức do dịch bệnh, khủng hoảng lương thực hay vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu khả quan trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác thời gian qua dần mở ra niềm tin về triển vọng phục hồi của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.
0:00 / 0:00
0:00
Những du khách châu Âu đầu tiên đến với Venezuela sau 15 năm. (Ảnh TELESUR)
Những du khách châu Âu đầu tiên đến với Venezuela sau 15 năm. (Ảnh TELESUR)

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Trung ương Venezuela (CBV), GDP của Venezuela trong chín tháng đầu năm 2022 tăng 17,73% so cùng kỳ năm 2021, trong đó hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng tích cực. CBV cho biết, năng suất khu vực công tăng 20,03% trong ba quý đầu năm 2022, trong khi năng suất của khu vực tư nhân tăng 15,55%.

Các lĩnh vực đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất là vận tải và kho bãi (54,35%), sản xuất (39,61%) và thương mại (25,28%). Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng đạt mức tăng trưởng 35,45%, chủ yếu là các dự án phi nhà ở. Lĩnh vực dầu mỏ cũng ghi nhận mức tăng trưởng 27,09% nhờ sự phục hồi khả năng khai thác dầu thô. Venezuela đã trải qua năm quý liên tiếp mà hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều đạt tăng trưởng tích cực, phần nào phản ánh hiệu quả và tiến bộ trong hoạt động của hệ thống sản xuất tại quốc gia này.

Những ngày đầu năm 2023, Venezuela đón chuyến tàu du lịch đầu tiên từ châu Âu sau 15 năm. Con tàu Amadea treo cờ Bahamas cập cảng đảo Margarita của Venezuela với gần 500 hành khách, chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italia và Thụy Sĩ. Bộ trưởng Du lịch Alí Padrón (A-li Pa-đơ-rông) nhấn mạnh, Venezuela đã “nằm ngoài tầm ngắm” của các tàu du lịch trong nhiều năm qua, vì vậy chuyến tàu thương mại này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội để ngành công nghiệp không khói của Venezuela dần hồi phục trong thời gian tới, nhất là sau một thời gian dài khách du lịch không tới nước này do tình hình an ninh bất ổn và khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Năm 2022 đã ghi nhận số lượng đáng kể khách du lịch Nga đến với Venezuela. Hội đồng du lịch Venezuela (Conseturismo) thời gian qua cũng khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy các kế hoạch, sáng kiến nhằm thu hút khách du lịch quốc tế mới đến với quốc gia Mỹ Latin.

Chính phủ Venezuela thời gian qua đẩy mạnh kết nối, hợp tác các quốc gia trong khu vực. Từ ngày 1/1/2023, Venezuela và Colombia chính thức mở cửa trở lại toàn bộ biên giới giữa hai nước, cho phép hàng hóa và các phương tiện chở khách đi lại thông qua cây cầu xuyên biên giới Tienditas. Động thái này sẽ giúp bảo đảm luồng di chuyển của hàng hóa và hành khách qua đường bộ, đường hàng không và đường thủy, đồng thời thúc đẩy thương mại và du lịch của hai quốc gia láng giềng này. Tổng kim ngạch thương mại hiện tại giữa Venezuela và Colombia hiện ở mức khoảng 580 triệu USD.

Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết, nước này đã sẵn sàng hướng tới tiến trình bình thường hóa và điều chỉnh các mối quan hệ ngoại giao, lãnh sự và chính trị với chính phủ đương nhiệm cũng như chính phủ sắp tới của Mỹ.

Việc Mỹ nối lại tiếp nhận dầu thô từ Venezuela là bước đi thiện chí của phía Washington trong quan hệ giữa hai quốc gia này. Truyền thông Venezuela đưa tin, hai tàu chở dầu của Tập đoàn Chevron (Mỹ) sẽ cập cảng quốc gia Nam Mỹ này với nhiệm vụ chuyên chở 500.000 thùng dầu thô và xăng về Mỹ, lần đầu tiên sau bốn năm. Động thái này diễn ra sau khi Chính phủ Mỹ cấp phép cho Chevron cùng bốn công ty liên doanh với các đối tác Venezuela được xử lý, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela vào Mỹ.

Dù giới chức Mỹ tuyên bố đây là biện pháp khuyến khích để Chính phủ Venezuela và phe đối lập thảo luận việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2023, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, bước đi này mang lại lợi ích cho cả hai bên, trong bối cảnh Mỹ đang gặp khó bởi nguồn cung dầu trên thế giới bị ảnh hưởng lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.