Triển vọng phát triển cây trà hoa vàng ở Lộc Bình

Những năm gần đây, người dân các xã ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đưa cây trà hoa vàng vào trồng thử nghiệm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng mới cho bà con các dân tộc nơi đây vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Thành viên Hợp tác xã trà hoa vàng Ái Quốc, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) sấy sản phẩm hoa trà hoa vàng, trước khi đem giao cho khách hàng.
Thành viên Hợp tác xã trà hoa vàng Ái Quốc, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) sấy sản phẩm hoa trà hoa vàng, trước khi đem giao cho khách hàng.

Từ năm 2014, gia đình anh Dương Kim Hình, ở thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác (Lộc Bình) là hộ đầu tiên trồng cây trà hoa vàng trên địa bàn xã. Ban đầu anh trồng thử 50 cây, nhận thấy cây sinh trưởng tốt và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nên từ năm 2017 đến nay, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích.

Hiện tại, nhà anh Hình đang trồng 1.600 cây, trong đó, khoảng 200 cây trà hoa vàng đã cho thu hoạch, mỗi vụ thu về hơn 100 triệu đồng.

Anh Hình cho biết: “Sau ba đến bốn năm trồng, cây bắt đầu ra hoa cho thu hoạch. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch và bán được giá cao là từ tháng 10 đến tháng 3 (âm lịch). Trung bình, một cây trà có thể cho thu từ 1-2 kg hoa tươi/vụ/năm (một vài cây lâu năm cho thu từ 5-7 kg). Để có cây con giống, tôi bắt đầu ươm thêm cây giống từ quả cây trà hoa vàng, vừa để chủ động nguồn giống trồng, vừa bán cho bà con trong thôn bản có nhu cầu trồng”.

Không riêng gia đình anh Dương Kim Hình, nhận thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ dân ở xã Lợi Bác đã đem giống cây trà hoa vàng về trồng.

Tiêu biểu như gia đình bà Đặng Thị Xoan, ở thôn Nà Xỏm cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây trà hoa vàng, năm 2018 gia đình tôi tự lấy giống cây từ trong rừng về trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả với số lượng hơn 300 cây.

Đến nay, có hơn 70 cây bắt đầu cho thu hoạch, vụ đầu được 50 kg hoa tươi, với giá bán từ 500-700 nghìn đồng/kg hoa trà tươi.

Hiện tại, người dân trong thôn không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thương lái thu mua chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên... Đến nay, xã Lợi Bác có 25 hộ trồng cây trà hoa vàng với tổng diện tích hơn 10 ha.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, gia đình ông Triệu Tiến Minh, thôn Đông Sung, xã Ái Quốc (Lộc Bình), là hộ tiên phong đưa cây trà hoa vàng về trồng.

Ông Minh cho biết: “Nhận thấy giá trị của cây trà hoa vàng, năm 2013, tôi lên rừng đào lấy gốc cây về tự nhân giống để trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả của gia đình. Ban đầu tôi trồng thử nghiệm 300 cây, thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cho nên đến nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên khoảng 2 ha (hơn 2.000 cây). Hiện, một số diện tích trà hoa vàng đã cho thu hoạch năm thứ tư, trung bình mỗi năm, gia đình thu về khoảng 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, từ cuối năm 2019, tôi ươm cây giống từ quả cây trà hoa vàng để bán cho bà con quanh vùng”.

Nhận thấy mô hình trồng cây trà hoa vàng của ông Minh cho hiệu quả kinh tế, một số hộ dân ở xã Ái Quốc đã đưa loại cây này về trồng. Đến nay, xã Ái Quốc có hơn 100 hộ trồng cây trà hoa vàng với diện tích khoảng 8 ha ở tất cả 12 thôn.

Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Những năm qua, cây trà hoa vàng được bà con trên địa bàn xã đưa vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, điều kiện tự nhiên ở xã rất phù hợp trồng loại cây này. Để thúc đẩy mô hình phát triển cây trà hoa vàng, từ tháng 7/2022, xã đã vận động thành lập Hợp tác xã trà hoa vàng Ái Quốc, với tám thành viên.

Tham gia hợp tác xã, các thành viên không chỉ thường xuyên được tập huấn các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng, mà còn được hỗ trợ một máy sấy công nghiệp để các thành viên không phải sấy thủ công. Nhờ nâng cao chất lượng sản phẩm, trà hoa vàng xã Ái Quốc hiện đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Trà hoa vàng là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao.

Trước đây, loại cây này thường mọc tự nhiên tại khắp các khu vực đồi núi của huyện. Cây trà hoa vàng phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu ở xã và có ưu điểm như: dễ trồng, dễ chăm sóc, trà hoa vàng được bán với giá cao..., vì thế, nhiều hộ đã mở rộng diện tích.

Hiện nay, diện tích trồng cây trà hoa vàng ở các xã trong huyện lên tới hơn 30 ha, tập trung ở các xã như: xã Mẫu Sơn, Lợi Bác, Ái Quốc. Trồng cây trà hoa vàng không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn giống cây dược liệu quý hiếm.

Trong thời gian tới, huyện xây dựng quy hoạch vùng trồng cây trà hoa vàng, với diện tích hơn 100 ha.