Báo cáo thường niên "Triển vọng kinh tế ở Bắc Phi" do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) công bố cho biết, tăng trưởng kinh tế tại khu vực Bắc Phi dự kiến sẽ đạt 4% vào năm 2021 trước khi tăng lên 6% vào năm 2022. Mức dự báo này khả quan hơn so với các khu vực khác còn lại của châu Phi. Tốc độ phục hồi mạnh mẽ tại Bắc Phi một phần là nhờ sự phục hồi giá dầu, chủ yếu tại Algeria và Libya, du lịch khởi sắc và hoạt động sản xuất cải thiện cùng với việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 được bảo đảm.
Mức tăng trưởng của Algeria ước tính sẽ đạt 3,9% vào năm 2021 và 4,3% vào năm 2022 nhờ giá dầu và nhu cầu tăng. Ðộng lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Algeria bắt nguồn từ sự phục hồi đáng kể trong chi tiêu đầu tư và sản xuất, cũng như việc tăng xuất khẩu dầu khí. Theo một nghiên cứu mới đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về Tây Á (ESCWA), sự ổn định và hòa bình ở Libya sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích kinh tế cho các đối tác thương mại chủ chốt của quốc gia Bắc Phi này và góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các nước trong khu vực như Ai Cập, Tunisia và Algeria.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế của các quốc gia ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi (MENA) đang trải qua một sự phục hồi bấp bênh và không đồng đều trong năm 2021, nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch Covid-19. Hệ thống y tế căng thẳng, cùng với một loạt yếu tố kinh tế toàn cầu khác, như sự biến động của giá nguyên liệu, nhất là giá dầu, dẫn đến sự phục hồi kinh tế không đồng đều của khu vực với triển vọng bấp bênh. Sự phục hồi kinh tế của các nước tại khu vực còn phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng.
Ghi nhận tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế Bắc Phi trong năm 2020, AfDB chỉ rõ, tăng trưởng GDP thực tế ở mức âm 1,1%, giảm 5,1% so với năm 2019, trong khi thâm hụt ngân sách trung bình tăng gấp đôi, từ 5,7% GDP năm 2019 lên 11,6% năm 2020 và thâm hụt tài khoản vãng lai tăng từ 4,9% lên 8,8% GDP. Theo AfDB, Bắc Phi cần 180 tỷ USD từ nay đến năm 2023 để khắc phục những tác động của đại dịch khi Covid-19 đã làm xói mòn đáng kể dư địa tài khóa. Thêm vào đó, sự ổn định chính trị tại một số nước như Libya, Algeria, Tunisia tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng của các nước này.
Ðể đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của khu vực, các thể chế tài chính kêu gọi chính phủ các nước cải thiện hệ thống y tế và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng trong tương lai. Các quốc gia Bắc Phi cần tính đến các kế hoạch gia hạn nợ trong trường hợp đại dịch kéo dài hơn, tăng cường theo dõi dòng chảy vốn.
AfDB đề xuất thực hiện đánh giá lại chi tiêu công để bảo vệ các dự án đầu tư cần thiết nhằm phục hồi tăng trưởng. Ngoài ra, AfDB cũng đề xuất các biện pháp nhằm kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch trong trung hạn, trong đó bao gồm đầu tư vào số hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về khả năng tiếp cận tài chính và kỹ năng, để cải thiện việc huy động nguồn lực trong nước và mở rộng thị trường trái phiếu quốc gia. Về dài hạn, AfDB ủng hộ các cải cách nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế và thị trường, đổi mới công nghệ và tạo việc làm ở quy mô lớn, đầu tư vào dự án công cộng cần thiết để giảm chênh lệch khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tăng cường hội nhập khu vực ■
HÀ ÐAN