Các tư liệu, tài liệu trong Triển lãm do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng lịch sử quốc gia cùng Chư tôn đức tăng ni, các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát về kiến trúc, di sản Phật giáo trên cả ba miền đất nước sưu tầm.
Triển lãm cung cấp nhiều thông tin, kiến thức về kiến trúc Phật giáo. |
Triển lãm giới thiệu tới người xem gần 300 tư liệu, hình ảnh, trong đó chủ yếu là hình ảnh từ kết quả của 3 đợt khảo sát và tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích.
Các tư liệu, tài liệu, hiện vật tại Triển lãm chia làm 3 nội dung: một số hình ảnh hiện vật kiến trúc Phật giáo hiện lưu giữ tại Bảo tàng; đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: các hình ảnh, tư liệu bản vẽ (không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng chính…) kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng, miền; một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây: chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…
Cùng với Triển lãm, Hội thảo khoa học gồm gần 70 bài tham luận, xoay quanh các nội dung Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay: đặc trưng, tính thống nhất, đa dạng kiến trúc Phật giáo các hệ phái, vùng, miền; Định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam: thực trạng, định hướng, giải pháp và những đề xuất, khuyến nghị đối với Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà quản lý tôn giáo, di sản về tu bổ, tôn tạo và xây dựng mới công trình Phật giáo hiện nay.
Triển lãm và Hội thảo nhằm cung cấp tư liệu, cơ cở khoa học, thực tiễn để Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai Đề án Kiến trúc và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam trong các năm tiếp theo hiệu quả, khả thi.
Đồng thời, Triển lãm giúp Tăng ni, Phật tử và cộng đồng xã hội hiểu hơn về giá trị di sản, kiến trúc Phật giáo, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, những tinh hoa của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Các tư liệu, tài liệu, hình ảnh trong triển lãm cũng giúp khắc phục những nhận thức chưa đúng, những hạn chế trong hoạt động trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới các công trình Phật giáo hiện nay; góp phần định hướng đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam bảo đảm tính truyền thống, tính dân tộc và tính thời đại, trong đó, cần quan tâm yếu tố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu tập của tăng ni, Phật tử, công chúng phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.
Triển lãm kéo dài từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5, tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.