Triển lãm trưng bày nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và hơn 100 bản đồ được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu đã được công bố của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế, như: tư liệu trước triều Nguyễn và triều Nguyễn; tư liệu giai đoạn chính quyền Pháp đại diện thực thi chủ quyền ở Đông Dương; tư liệu giai đoạn quản lý của Việt Nam Cộng hòa trước 1975; tư liệu thực thi chủ quyền của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ sau khi Việt Nam thống nhất; tư liệu của phương Tây về Trung Quốc và tư liệu của Trung Quốc chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa; những công trình nghiên cứu của học giả Việt Nam và quốc tế qua các thời kỳ; những hình ảnh Hoàng Sa và Trường Sa trong trái tim Việt Nam và thế giới hôm nay… Tất cả đều khẳng định bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, triển lãm trưng bày tờ văn bản bằng tiếng Chăm cho biết, làng Plei Koh ở đảo Phú Quý trình tấu về việc cử ba chiếc thuyền ra thực hiện cắm mốc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dân làng Koh đã chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày lên đường theo chỉ dụ nhưng vì biển động không đi được nên xin hoãn lại thời gian. Về mặt ý nghĩa tờ châu bản này cho thấy, nghĩa vụ bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa không phải chỉ là trách nhiệm của riêng người Việt mà là trách nhiệm của tất cả các dân tộc anh em sinh sống trong đất nước Đại Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức giới thiệu bộ sưu tập tem, các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế, qua đó khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20-8.