Đại diện Ban điều hành dự án cho biết, hằng quý sẽ mời báo chí và các đoàn thể địa phương, theo dõi việc cập nhật tình hình thi công, đồng thời nêu các vấn đề vướng mắc (nếu có) để các bên cùng tháo gỡ với tinh thần đạt chất lượng, đúng tiến độ.
Rốt ráo giải phóng mặt bằng
Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu. Dự án có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tại km127+720 thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), điểm cuối giao cắt với tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).
Theo báo cáo của Ban điều hành, sau khi dự án được khởi công, nhà thầu tập trung thực hiện các công tác chuẩn bị: xây dựng khu nhà điều hành, nơi ăn ở cho cán bộ công nhân, văn phòng cho tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án, phòng thí nghiệm chất lượng, phối hợp với chủ đầu tư, tư vấn giám sát thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng, tiến độ, nghiệm thu, thanh toán,... đồng thời huy động thiết bị, nhân lực để triển khai thi công khi được bàn giao mặt bằng.
Để triển khai dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có quy mô lớn nhất trong 12 dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn 2), Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng khu nhà liên cơ của dự án và thiết lập các quy trình xử lý công việc, đồng thời áp dụng công nghệ số để quản trị điều hành dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ và tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, nhà thầu đã triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự và hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục “đường găng” như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu TL624, các nút giao,… và một số đoạn cần xử lý đất yếu.
Mặc dù sau ngày khởi công (1/1/2023) đến nay, thời tiết trên địa bàn mưa nhiều, không thuận lợi cho công tác thi công nhưng Ban điều hành dự án đã tổ chức thi công cào bóc hữu cơ toàn tuyến, tạo đường ranh giới, phạm vi thi công ngay sau nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương, đồng thời trình duyệt các hồ sơ nội nghiệp bảo đảm đầy đủ các điều kiện thi công hiện trường theo quy định, như: thiết kế bản vẽ thi công, tiến độ thi công tổng thể, kế hoạch huy động thiết bị máy móc, nhân sự và biện pháp thi công, biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường,…
Hiện nay, nhà thầu đã triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự và hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục “đường găng” như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu TL624, các nút giao,… và một số đoạn cần xử lý đất yếu.
Đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi, mặt bằng được bàn giao 50,89km/60,3km, đạt 84,4%. Tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ giải phóng mặt bằng rất cao so với các địa phương, lãnh đạo tỉnh cũng rất quyết liệt chỉ đạo giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao, phối hợp chặt chẽ nhà thầu thi công trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vị trí “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ khoảng 38,88km, hơn 4km có mặt bằng nhưng chưa thể thi công. Vì vậy, nhà thầu đã tập trung huy động nhân sự, máy móc thiết bị để triển khai thi công các phạm vi đã bàn giao và có thể tiếp cận tổ chức thi công, trong đó tập trung các vị trí nằm trên “đường găng” tiến độ dự án.
Cụ thể, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao,…
Đặc biệt, tại một số vị trí “đường găng” tiến độ như cầu sông Vệ, cửa Bắc hầm 1, hầm 2, hầm 3,… mặc dù nhà thầu chưa được bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng để bảo đảm tiến độ, nhà thầu đã chủ động huy động máy móc thiết bị đến công trường và đàm phán thuê đất của người dân để tiếp cận công trường, triển khai thi công dự án nhằm đáp ứng tiến độ.
Để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ, liên danh nhà thầu kiến nghị hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định chỉ đạo các sở, ngành và các huyện khẩn trương bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu, giải quyết bố trí tái định cư để bàn giao những khu vực có đường tiếp cận vào thi công dự án, hạn chế tối đa tình trạng bàn giao mặt bằng “xôi đỗ”; ưu tiên bàn giao mặt bằng các vị trí “đường găng” tiến độ trước ngày 30/3/2023 và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu trước ngày 30/6/2023 theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ.
Áp dụng công nghệ quản lý dự án
Đối với vật tư, vật liệu như sắt, thép, xi-măng, nhựa đường,... nhà thầu đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để ký hợp đồng thương mại, bình ổn giá, đồng thời triển khai đầu tư các trạm nghiền trên cơ sở tận dụng đá đào hầm làm vật liệu phục vụ thi công dự án.
Hiện nhà thầu đã thuê mặt bằng, tổ chức san ủi và xây dựng, lắp đặt trạm sản xuất vật liệu. Nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu m3 và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu m3, nhà thầu chủ động thực hiện khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu thi công dự án, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều khó khăn.
Pano công bố thông tin gói thầu XL01, đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. |
Đối với các mỏ đất được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu.
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chưa cụ thể khiến các địa phương gặp lúng túng trong quá trình triển khai, trở thành điểm nghẽn của dự án; chưa thể rút ngắn thời gian, thủ tục hồ sơ theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ. Địa phương cũng vừa làm vừa chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/2/2023.
Bên cạnh đó, nhà thầu phải tự thỏa thuận đơn giá mặt bằng mỏ vật liệu với người dân dẫn đến tình trạng bị ép giá, khiến đơn giá khai thác đất tại mỏ cao hơn nhiều so với đơn giá trong dự toán. Hiện nhà thầu đã làm việc với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ, hầu hết đều đưa ra mức giá đền bù giải phóng mặt bằng cao hơn so mức giá bồi thường cây cối, hoa màu và tài sản trên đất theo quy định.
Đối với mỏ thương mại, nhà thầu đã khảo sát các mỏ đất thương mại để phục vụ thi công giai đoạn đầu của dự án nhưng đa số các mỏ trữ lượng ít, công suất khai thác thấp và đang cung cấp cho các dự án của tỉnh, do vậy khả năng cung cấp cho dự án bị hạn chế. Đường tiếp cận vào một số mỏ thương mại rất khó khăn, nhỏ hẹp và đi qua khu dân cư, khi tăng cường xe vận chuyển khối lượng lớn và hoạt động kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống mốc mạng cũng bị sai số lớn, sau khi nhận hệ thống mốc mạng từ đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật, nhà thầu khảo sát lại và phát hiện nhiều mốc sai số đến 20cm, vượt quá sai số cho phép, không bảo đảm để thi công.
Do đó, giai đoạn ban đầu, nhà thầu chỉ triển khai được việc đào vét hữu cơ; các công tác liên quan đến công trình cầu, cống, hầm,... cần độ chính xác cao, phải thống nhất số liệu giữa Ban Quản lý dự án, Tư vấn thiết kế kỹ thuật và nhà thầu mới có đủ cơ sở triển khai.
Tại dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, liên danh nhà thầu đã tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR và 3D-Laser Scanning, kết hợp mô hình BIM trên điện toán đám mây.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật được khảo sát, thiết kế bởi nhiều đơn vị khác nhau, công tác kiểm soát chất lượng hồ sơ (KCS) còn sơ sài, dẫn tới cùng một gói thầu, cùng một kết cấu công trình nhưng bản vẽ điển hình khác nhau như: chiều dày thành cống hộp, kích thước trong thuyết minh khác kích thước trong bảng tính,... Đây cũng là một vướng mắc cần được khắc phục.
Tại dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, liên danh nhà thầu đã tiên phong ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nâng cao quản lý dự án thông qua việc sử dụng các thiết bị LiDAR và 3D-Laser Scanning, kết hợp mô hình BIM trên điện toán đám mây.
Các công nghệ này sẽ số hóa hiện trạng dự án, lập mô hình 3D, hỗ trợ đơn vị thi công kiểm tra tính đúng đắn bản vẽ đã thiết kế, tính khối lượng đào đắp, giám sát khối lượng thực tế thuê bên nhà thầu, xem trực quan công tác giải phóng mặt bằng, đánh giá trực quan toàn cảnh dự án sau từng giai đoạn thi công, kiểm soát chuyển vị của công trình,...
Đồng thời, để kiểm soát thi công trên toàn tuyến, liên danh nhà thầu đang triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát dọc tuyến.
Bên cạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, để minh bạch thông tin, Tập đoàn Đèo Cả sẽ định kỳ công bố thông tin, mời báo chí, đại diện các tổ chức đoàn thể tại địa phương có dự án đi qua thực tế thi công, dựng pano thông tin tình hình triển khai, các vướng mắc và trách nhiệm các bên liên quan để người dân và cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt, đánh giá việc thực hiện và trách nhiệm của các bên thông qua sự giám sát của cộng đồng.
Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư bổ sung nhiều máy móc, thiết bị với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, đặc biệt là các thiết bị thi công chuyên dụng, sẵn sàng thi công các công trình trọng điểm quy mô lớn.
Từ năm 2017 đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã thi công, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn như hầm đường bộ lớn nhất tại Việt Nam (hầm Hải Vân dài 6.000m, hầm Đèo Cả dài 4.200m, hầm Cù Mông dài 2.600m) và hiện đang thi công các hầm đường bộ khác trên tuyến cao tốc bắc-nam phía đông như Thung Thi dài 680m, Trường Vinh dài 450m, hầm Núi Vung dài 2.200m,...