Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.
Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.
Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.
Thủ tướng Phạm MInh Chính đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài và Diễn đàn Tri thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Trần Hải) |
Từ sau Hội nghị lần thứ 3 (năm 2016), tình hình thế giới, khu vực và tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Những yếu tố bất ổn, bất an, bất định của tình hình thế giới và khu vực đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí làm xáo trộn đời sống của bà con. Bên cạnh đó, sự phát triển của nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu cầu mới trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, thật tự hào khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự sự kiện. (Ảnh: Trần Hải) |
Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước. Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam. Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự Hội nghị và Diễn đàn. (Ảnh: Trần Hải) |
Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.
Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đó là những con số có thể định lượng, bên cạnh đó còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.
Quang cảnh Hội nghị và Diễn đàn. (Ảnh: Trần Hải) |
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.
Các đại biểu tham dự sự kiện. (Ảnh: Trần Hải) |
Chính vì vậy, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3 năm nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Diễn đàn sẽ là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo… Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 có 4 phiên chuyên đề diễn ra song song vào chiều nay gồm “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”, “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”, “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.
Điểm đặc biệt là, lần đầu tiên một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tham gia với các cơ quan trong nước trong chủ trì, điều hành một số phiên chuyên đề về lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này thể hiện vai trò chủ động, tích cực của kiều bào, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà còn là chủ thể triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên lề Hội nghị, Ban tổ chức bố trí để các đại biểu đi tìm hiểu thực tế tại Khu Công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội.
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Bộ trưởng kỳ vọng Hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng”, tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Hội nghị đã nghe tham luận của ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. (Ảnh: Trần Hải) |
* Tiếp theo Hội nghị, Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 đã được khai mạc với chủ đề “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước”.
Diễn đàn đã nghe tham luận của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và đề xuất về sự tham gia của kiều bào”; tham luận của Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc về “Hướng tới tương lai phát triển bền vững - Phát triển xanh và vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức Việt Nam tại nước ngoài”; tham luận của ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản: “Phát huy sức sáng tạo của cộng đồng Việt Nam ở Nhật Bản, thúc đẩy giao lưu, hợp tác ở sở tại và hướng về phát triển quê hương, đất nước”; tham luận của đại diện trí thức kiều bào: TS Lê Viết Quốc (Nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google) về “Xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo trên thế giới và đề xuất đối với Việt Nam",...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, chia sẻ một số suy nghĩ về 3 nội dung chính: tình hình thế giới và khu vực; các yếu tố nền tảng, quan điểm, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Thủ tướng nêu rõ, đối với nước ta, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn để chúng ta bản lĩnh, trí tuệ hơn vượt qua những khó khăn thách thức này. Người Việt Nam càng khó khăn, phức tạp thì càng nỗ lực, càng đoàn kết, đó là bản sắc, giá trị của con người Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1960 đến năm 2010, có tới 101 nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình và chỉ 15 nước vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Thủ tướng khẳng định, đất nước đạt được những thành tựu sau gần 40 năm Đổi mới là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước và 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài, qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào trong và ngoài nước về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về tương lai và cơ đồ đất nước; đồng thời khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Nhân dịp này, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp quan trọng của cộng đồng bà con người Việt Nam ở nước ngoài cho quê hương, đất nước; cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt thời gian qua; biểu dương Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Về vấn đề phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử cách đây hàng trăm năm từ khi con cháu hoàng tộc dòng họ Lý sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) đến nay, đều có dấu ấn đóng góp của đồng bào ta vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được sự giúp đỡ của đồng bào ta tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ…
Đặc biệt, từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân ta đã luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình và đóng góp quý báu của bà con đồng bào khắp năm châu bốn biển. Người xưa đã dạy: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Đảng và Nhà nước xác định rõ, bà con đồng bào là vốn quý của đất nước - Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhắc tới những người con đất Việt xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn - Những con người đóng góp tinh thần, vật chất, kể cả hy sinh xương máu cho đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt nêu trên, Thủ tướng chia sẻ 3 thông điệp đối với bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Về “3 thông điệp” đối với bà con đồng bào ta ở nước ngoài:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thủ tướng gửi lời tri ân tới các chuyên gia, nhà khoa học đã có những thành tựu xuất sắc trên các lĩnh vực, làm rạng danh đất nước. Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước Việt Nam. Đất nước tự hào về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con đồng bào dành cho quê hương dù bất cứ ở nước nào. Chúng ta luôn nỗ lực để “nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết” tâm tư, nguyện vọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
“3 định hướng” gồm: Thứ nhất, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.
Thứ hai, cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ hơn tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ trách nhiệm của cả thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.
Về “3 trọng tâm” gồm:
Thứ nhất, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cả ở trong nước nước và ngoài nước.
Thứ hai, tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.
Thứ ba, không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh của chính họ để đóng góp cho quê hương, đất nước, xây dựng bản sắc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện. |
Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong nước là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài cả trong nước, ngoài nước. Phát huy tối đa sức mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối, nguồn lực, động lực cho thúc đẩy tiến trình hội nhập của đất nước đối với quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, thực hiện sự góp ý xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển chung của đất nước, với mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Về yêu cầu, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh… Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung, là địa chỉ tin cậy của bà con đồng bào, là cầu nối đưa bà con về gần hơn với Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, hỗ trợ đồng bào giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực đổi mới tư duy phát triển, quyết liệt hành động, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có cơ chế, chính sách thuận lợi cho bà con, doanh nghiệp ta ở nước ngoài đầu tư kinh doanh, hỗ trợ nhân dân trong nước; tiếp thu, lắng nghe, phản hồi và áp dụng trên thực tế những ý kiến đóng góp quý báu của đồng bào. Trong đó lưu ý, cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng mong muốn bà con, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định cuộc sống, địa vị pháp lý, phát triển và hội nhập sâu, toàn diện, nâng cao hơn nữa địa vị chính trị ở nước sở tại. Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc Việt Nam, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt Nam, giá trị con người Việt Nam. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta.
Chúng ta mong rằng, bà con đồng bào hãy đoàn kết, vững mạnh, góp phần vào củng cố vị thế của đất nước; trên cơ sở đó góp phần hỗ trợ cộng đồng có vị trí tốt hơn tại nước sở tại; bà con đồng bào tiếp tục đề xuất những ý tưởng đột phá, sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước.
Đặc biệt, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng vui mừng được biết các trí thức, chuyên gia người Việt Nam đang là nguồn nhân lực rất mạnh tại các trường, viện nghiên cứu, các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước; đề nghị các anh, các chị, các bạn hãy hiến kế, nhất là về phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; đồng thời, đề xuất những dự án cụ thể, nhân rộng cách làm tốt, mô hình hiệu quả cho đất nước.