Con đường giữa đại ngàn Trường Sơn
Một ngày giữa tháng 5, ông Lê Trúc Phương, trú tại thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông), nguyên Chánh Văn phòng Ban hành lang Quảng Đức (tỉnh Quảng Đức cũ), khăn áo chỉnh tề nhờ con cháu chở đến thắp nén nhang cho đồng đội tại Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Trường Sơn, ở thôn Cây Xoài, thị xã Gia Nghĩa, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Bên nén nhang thơm nghi ngút khói, ông Phương kể: Việc soi, mở, khai thông đường Trường Sơn trên địa bàn Tây Nguyên ngày ấy là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ. Trong điều kiện chiến trường mới lạ, cơ sở cách mạng chưa có, Tây Nguyên lúc bấy giờ vào mùa mưa, nước sông dâng cao và chảy xiết, việc định hướng để luồn rừng rất khó khăn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Các đội công tác phải bám từng bon (buôn làng), móc nối từng người dân, trong điều kiện đói cơm, thiếu muối, thậm chí bị địch vây bắt, bị nước lũ cuốn trôi, nhưng cán bộ, chiến sĩ soi đường vẫn kiên trì luồn rừng tìm mở đường, từng bước tạo lập hành lang tuyến vận tải chiến lược... “Trong suốt cuộc đời làm cách mạng, kỷ niệm tôi nhớ nhất là vào ngày 30-10-1960, hai đội soi đường đã gặp nhau tại địa danh thôn Cây Xoài khai thông đường Trường Sơn, nối liền nam Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Lúc đó, các đồng đội dù chưa từng gặp mặt, chưa biết tên, tuổi, quê quán của nhau nhưng đã lao đến ôm chầm lấy nhau mà khóc. Khóc vì đã thực hiện thành công nhiệm vụ được cấp trên giao, giúp con đường khai thông, chấm dứt thời kỳ gian khổ ở rừng thiêng nước độc mà bản thân và đồng đội vừa trải qua, khát vọng thống nhất non sông đã hé mở”, ông Phương bồi hồi nhớ lại.
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đác Lắc - Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 470 (Đoàn 559), năm nay 86 tuổi, nhưng khi kể về những năm tháng ở Trường Sơn, đôi mắt ông sáng lên, giọng ông sảng khoái và mạch lạc: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, giữ vị trí xung yếu trên mặt trận giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến và cất giấu xe tăng, thiết giáp, vũ khí, lương thực và ém quân... Quá trình hình thành và hoạt động của tuyến chi viện đường Trường Sơn luôn gắn bó máu thịt với mảnh đất, con người Tây Nguyên. Các năm 1973 và 1974, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã dũng cảm vượt qua thử thách dưới mưa bom, bão đạn, thời tiết khắc nghiệt, bám rừng núi mở đường và thông đường cho xe ra tiền tuyến; nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Bá nhớ nhất là trong hơn 20 ngày đêm cuối tháng 3, đầu tháng 4-1973, trước yêu cầu của Trung ương tăng cường chi viện cho tiền tuyến, Trung đoàn 4 Công binh, Sư đoàn 470 (Đoàn 559), dưới sự chỉ huy của ông - lúc đó ông Bá là Trung đoàn trưởng, đơn vị đã hoàn thành xây dựng một gầm và một cầu phà dài 100 m vượt sông Sê-rê-pốc, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đác Lắc). Quá trình xây dựng, địch nhiều lần mở các đợt tiến công ngăn chặn, khiến 57 chiến sĩ của Trung đoàn và Tiểu đoàn bộ binh 21, Sư đoàn 470 đã anh dũng hy sinh. Nhưng chính gầm và cầu phà hoàn thành đã giúp các đoàn xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới của các đơn vị bộ đội chủ lực cấp tốc tiến về các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho tiền tuyến, Bộ đội Trường Sơn còn phối hợp chặt chẽ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên chiến trường Tây Nguyên thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ. Bà Rơ Châm Hyéo, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai, kể: Chư Pao là ngọn núi có đỉnh cao 1.059 m so với mặt nước biển, nằm sát đường 14, nay là đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Chư Păh (Gia Lai) tiếp giáp tỉnh Kon Tum. Trong chiến tranh, bên nào chiếm được Chư Pao là khống chế trục đường giao thông huyết mạch 14. Trong cuộc chiến mùa hè năm 1972, quân ta mở chiến dịch Đác Tô - Tân Cảnh, cô lập Kon Tum và cắt đường 14. Từ núi Chư Pao, bộ đội chủ lực cùng dân quân du kích đào giao thông hào ra sát đường 14 để đánh địch, chiến sự ở đây diễn ra rất ác liệt. Khi đường 14 bị cắt, địch mở thêm tuyến đường mới (đường 14B) vòng phía sau dãy núi Chư Pao cho nên phải xây dựng hai cầu bê-tông qua suối. Để ngăn chặn địch tăng cường đánh phá, lực lượng bộ đội chủ lực và dân quân du kích đã men theo bờ suối đặt thuốc nổ đánh sập cầu nhiều lần, ngăn chặn địch để giữ vững tuyến đường chi viện cho tiền tuyến.
Được biết, việc mở đường hành lang trên địa bàn Tây Nguyên rất rộng - từ đông sang tây Trường Sơn dài hàng trăm ki-lô-mét, qua rừng rậm, suối sâu, sông rộng, có nơi chưa có dấu chân người. Nhưng nhờ có đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không quản ngại gian khổ, hy sinh để che chở, giúp đỡ, nhường cơm, sẻ áo, dẫn đường, cho nên đường hành lang chiến lược vừa mở đúng hướng, an toàn và rút ngắn được thời gian. Bên cạnh đó, nhân dân còn huy động cả voi, ngựa và hàng nghìn lượt người để vận chuyển vũ khí, đạn dược, đưa đón, bảo vệ an toàn cán bộ, bộ đội qua lại trên tuyến đường chiến lược này cho đến ngày toàn thắng.
Đường lớn đã mở
Đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, xuyên suốt nhằm đáp ứng hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km; trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía tây dài 500 km, điểm đầu là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau). Được khởi công xây dựng vào tháng 4-2000, đến nay phần lớn tuyến đường đã được nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn và từ bắc chí nam. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc và Đác Nông, với chiều dài 553 km, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Từ khi được đầu tư nâng cấp, mở rộng thông tuyến vào năm 2015 đến nay, đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông huyết mạch nối liền Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền trung và các tỉnh Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, đồng thời liên thông sang nước bạn Lào, Cam-pu-chia, tạo cuộc sống mới trên đại ngàn Trường Sơn.
Những ngày giữa tháng 5, xuôi theo đường Hồ Chí Minh từ Kon Tum đến Đác Nông uốn lượn như dải lụa vắt qua những lô cao-su, cà-phê, hồ tiêu xanh tốt xen lẫn là các buôn làng trù phú, các thị trấn, thị tứ sầm uất. Ông Đỗ Văn Hòa, nhà ở cạnh đường Hồ Chí Minh, đối diện dãy núi Chư Pao, huyện Chư Păh (Gia Lai), cho biết: “Đường Hồ Chí Minh từ khi thông tuyến đến nay đã làm đổi thay cuộc sống của người dân trong vùng. Bộ mặt nông thôn Chư Păh theo đó khởi sắc từng ngày. Hàng hóa được thông thương, đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều”. Quán nước nhỏ của ông Hòa lúc chúng tôi đến có hơn 20 người khách ngồi chờ xe đi miền bắc, miền trung và TP Hồ Chí Minh. Nhưng chưa đầy 30 phút, hành khách đã yên vị trên xe và hành trình theo đường Hồ Chí Minh để rút ngắn quãng đường.
Đến tỉnh Đác Lắc, ông Y Jhoen Niê, 76 tuổi, ở buôn Cư Găm, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, hồ hởi cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhưng chưa bao giờ thấy buôn làng mình đổi mới như hôm nay. Trước đây, đường Hồ Chí Minh chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xe cộ lưu thông thưa thớt, nông sản bà con làm ra khó bán, hoặc bán với giá thấp, do đường vận chuyển khó khăn. Con cháu đến trường học cũng cách trở, nhất là khi trong buôn có người đau ốm phải đưa lên bệnh viện huyện chỉ cách 20 km nhưng phải đi cả buổi mới tới. Nhưng từ khi đường Hồ Chí Minh được thông tuyến vào năm 2015 đến nay, cuộc sống người dân đổi thay rất nhiều. Bây giờ đi đâu cũng thuận lợi, xe cộ chạy bon bon cả ngày lẫn đêm, nhiều gia đình đã chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang kinh doanh, buôn bán, cuộc sống được nâng lên, bộ mặt buôn làng ngày càng đổi mới.
Không chỉ đời sống của người dân hai bên tuyến đường thay đổi rõ rệt, mà nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng ngành, nghề kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Hoàng Vân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Vân ở TP Plây Cu (Gia Lai), chia sẻ: “Từ khi đường Hồ Chí Minh được đầu tư, mở rộng, nắm bắt được nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân tăng lên, công ty chúng tôi đã mạnh dạn xin UBND tỉnh Gia Lai được đầu tư hình thành nên khu du lịch cạnh đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Hiện công ty đã đầu tư nhiều hạng mục du lịch, nghỉ dưỡng trên diện tích gần 23 ha, với số vốn 80 tỷ đồng. Với giao thông thuận lợi như hiện nay, tôi tin rằng khách du lịch sẽ đến với Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên ngày càng đông”. Sức sống mà con đường tạo cho nền kinh tế các tỉnh Tây Nguyên thể hiện rất rõ qua sự tăng lên nhanh chóng của mật độ giao thông với hàng chục nghìn lượt phương tiện mỗi ngày. Ông Nguyễn Ngọc Minh, chủ doanh nghiệp vận tải hành khách ở TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), cho biết: Từ khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng đến nay, hành trình xe khách từ TP Buôn Ma Thuột đi TP Hồ Chí Minh 350 km được rút ngắn chỉ còn hai phần ba thời gian so với trước; mọi chi phí như xăng dầu, hư hỏng lốp, khấu hao mòn xe... đều giảm hẳn. Nhờ đó các chuyến xe đi về đều hiệu quả hơn trước đây rất nhiều.
Tây Nguyên không có đường sắt, đường thủy mà vận tải chủ yếu bằng đường bộ. Vì vậy, từ khi đường Hồ Chí Minh được mở rộng, thông tuyến không chỉ giúp các nông sản như cà-phê, hồ tiêu, ngô, mì và lâm sản… được vận chuyển tới các cảng biển, các khu công nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… thuận lợi; người dân có điều kiện đi lại thăm thân, tiếp cận các dịch vụ tham quan, mua sắm, khám, chữa bệnh ở những trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, mà còn thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành kỳ vọng: “Trước đây nông sản hàng hóa của người dân Tây Nguyên đưa về các tỉnh Đông Nam Bộ rất khó khăn, kết nối giao thương bị ách tắc do đường sá. Việc đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng để thúc đẩy giao lưu hàng hóa thông suốt, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum mà cả khu vực Tây Nguyên”. Đề cập vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Đác Lắc Êban Y Phu cho rằng, sự hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào Tây Nguyên nói chung, Đác Lắc nói riêng ngày càng tăng mạnh là minh chứng cụ thể cho sự tác động tích cực từ việc đường Hồ Chí Minh thông tuyến. Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên tháng 3-2017, UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 100 nghìn tỷ đồng. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Đác Lắc tháng 3-2019, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư 14.330 tỷ đồng và ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 25 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng. Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, từng bước đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, những lợi thế của Tây Nguyên. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong vùng.
60 năm đã trôi qua, kỳ tích Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - “Con đường huyền thoại” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Con đường ấy hiện là huyết mạch giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt, đã tạo ra một cuộc sống mới cho đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn.
Trên cung đường huyền thoại
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam. Năm 1975, đường Trường Sơn đoạn qua Tây Nguyên đã góp phần đưa bộ đội ta tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Sau 44 năm đất nước thống nhất, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngày nay đã nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra cuộc sống mới trên đại ngàn Trường Sơn.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông hôm nay. |