Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu về phòng, chống xâm hại trẻ em” năm 2021 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ cả nước cũng như phụ nữ lực lượng công an nhân dân.
Cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Phụ nữ Văn phòng Bộ Công an tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, đồng thời góp phần giúp hội viên, phụ nữ tìm hiểu, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; hiểu biết về bình đẳng giới, xây dựng một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, Cuộc thi Tìm hiểu về phòng chống xâm hại trẻ em được tổ chức qua 2 vòng:
+ Vòng thi thứ nhất (diễn ra trong 1 tuần từ ngày 8-12/11): Thi trắc nghiệm trực tuyến hàng ngày trên fanpage Hội LHPN Việt Nam với bộ 20 câu hỏi về nội dung kiến thức về bình đẳng giới; các quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Kết quả, sau vòng thi thứ nhất đã có hơn 84.000 người tham gia trong đó có hơn 73.000 người trả lời đúng tất cả câu hỏi; 15 người có kết quả đáp án đúng nhất đã được chọn vào vòng 2.
+ Vòng thi thứ hai từ (15-21/11/2021): Thi video thuyết trình, trình chiếu về các sáng kiến, giải pháp về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Ban Tổ chức đã nhận được 11 bài dự thi vòng 2, là những sản phẩm của chị em hội viên phụ nữ ngành Công an; của cán bộ, hội viên phụ nữ ở các địa phương; sinh viên, giáo viên các trường Đại học; cán bộ nữ ở các bộ, ngành Trung ương đềuđược đầu tư kỹ cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, tập trung làm rõ những sáng kiến, giải pháp về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là những sáng kiến dựa vào gia đình và cộng đồng mang tính thực tiễn cao, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị.
Theo Ban Tổ chức, tính riêng nền tảng digital, cuộc thi đã có hơn 450.000 lượt tiếp cận, hơn 4.000 lượt like, hơn 2.000 lượt chia sẻ và rất nhiều lượt bình luận về các bài đăng trên fanpage Trung ương Hội (bài cao nhất tiếp cận gần 47.000 người/1 bài đăng).
Cho thấy cuộc thi thực sự đã tạo nên một sân chơi trí tuệ đầy sức hấp dẫn và có sức lan toả rộng rãi đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp nói chung và phụ nữ lực lượng công an nhân dân nói riêng, góp phần hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới một cách thiết thực và hiệu quả.
Căn cứ vào kết quả chấm 11 sản phẩm dự thi vòng 2 của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi đã lựa chọn được 7 sản phẩm dự thi có kết quả xuất sắc để trao tặng.
Giải Nhất thuộc về tác giả Lại Thị Hiền - Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Hội Phụ nữ Học viện Cảnh sát Nhân dân) với clip Tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thị Kim Chi (Hội Phụ nữ Văn phòng Bộ Công an) với clip Thuyết trình về sáng kiến phòng, chống xâm hại trẻ em và tác giả Phan Thị Bích Lang (Hội viên phụ nữ xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) với clip Thuyết trình về sáng kiến, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.
Giải Ba thuộc về tác giả Trần Hải Ninh (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) với clip Tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em và tác giả Nguyễn Thị Hồng Mây (Hội Phụ nữ Văn phòng Bộ Công an) với clip Thuyết trình về sáng kiến, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em.
Giải chuyên đề gồm: Tác giả Sái Thị Thương Loan (Hội viên phụ nữ xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) với Giải Sáng kiến phòng chống xâm hại trẻ em dựa vào cộng đồng; Và tác giả Nguyễn Thị Xuân Cúc (Sinh viên lớp K7 Luật B, Học viện Phụ nữ Việt Nam) Giải Sáng kiến phòng chống xâm hại trẻ em dựa vào gia đình.
Chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần, nhưng cuộc thi “Tìm hiểu về phòng, chống xâm hai trẻ em” thực sự đã tạo nên một sân chơi trí tuệ đầy sức hấp dẫn và có sức lan tỏa rộng rãi đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp nói chung và phụ nữ lực lượng công an nhân dân nói riêng, góp phần giúp hội viên, phụ nữ tìm hiểu, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống xâm hại và bạo lực đối với trẻ em; hiểu biết về bình đẳng giới nhằm xây dựng một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.