Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Việt Nam Trần Văn Thuấn khẳng định với sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia về cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh thận giai đoạn cuối trong bối cảnh Covid-19, cùng với thực tiễn triển khai áp dụng tại Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam nghiên cứu, đề xuất chính sách, giải pháp, cách tiếp cận phù hợp trong cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh thận giai đoạn cuối. Đồng thời bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh thận giai đoạn cuối.
Bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng. Năm 2017, trên toàn cầu tỷ lệ mắc bệnh thận mạn tính là khoảng 9,1%, tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn tính và tim mạch do suy giảm chức năng thận khoảng 4,6% số tử vong và bệnh thận mạn tính trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 trên thế giới.
Để ứng phó với gánh nặng bệnh tật do bệnh thận mãn tính gây ra, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp như: truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao năng lực nhân viên y tế về thận học; tăng cường phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị các chấn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính; triển khai các liệu pháp thay thế thận như ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng.
Tại Việt Nam ước tính có khoảng 6 triệu người bị bệnh thận, trong đó có khoảng 80 nghìn người đã ở giai đoạn cuối. Việt Nam có khoảng 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ chạy thận nhân tạo cho hơn 30 nghìn trường hợp. Kỹ thuật lọc màng bụng được triển khai từ năm 2004 với khoảng 45 trung tâm/đơn vị lọc màng bụng trong cả nước. Năm 1992, Việt Nam cũng đã triển khai kỹ thuật ghép thận (đến nay đã thực hiện ghép thận cho 4.441 người).
Tuy nhiên, tính tiếp cận, tính sẵn có và phù hợp với khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc thận vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng, thiếu về số lượng và chất lượng các nhân viên y tế được đào tạo về thận học, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, dịch vụ phát hiện, quản lý, điều trị sớm các chấn thương thận cấp tính và bệnh thận mạn tính tại các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở cần được tăng cường, các liệu pháp thay thế thận cần được cung cấp tại các tuyến phù hợp và bảo đảm khả năng chi trả.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 gia tăng trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam, các thống kê và bằng chứng khoa học cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính trong đó bệnh thận giai đoạn cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh.
Thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là một thách thức đối với thực hiện dịch vụ chăm sóc thận (lọc máu, lọc màng bụng) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương - nơi tập trung các người bệnh nặng, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy thận.
BS Tạ Phương Dung, Phó Chủ tịch Hội thận học TP Hồ Chí Minh cho rằng nên mở rộng triển khai kỹ thuật lọc màng bụng. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, tăng tỷ lệ điều trị cho người suy thận, giảm quá tải cho các đơn vị thận nhân tạo… hạn chế chuyển người bệnh lên tuyến trên. Trong bối cảnh dịch Covid- 19 thì đây là kỹ thuật phù hợp.
BS Dung đề xuất, Bộ Y tế, Cục quản lý khám, chữa bệnh đưa ra chính sách ưu tiên và ban hành hướng dẫn chăm sóc người bệnh suy thận mãn tính trong giai đoạn đại dịch Covid-19, là cơ sở để các cơ sở y tế thực hiện nhất quán và đồng bộ. Hiện nay các đơn vị thận nhân tạo đã được triển khai đến tuyến quận, huyện thì lọc màng bụng cũng hoàn toàn có thể triển khai xuống đến tuyến quận, huyện để giảm tải cho các đơn vị tuyến trên.