Tránh sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số người dân nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu về cơ hội việc làm “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia, Philippines nên đã sập bẫy, rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Lực lượng Công an đã phát hiện xử lý hàng loạt các đối tượng lừa đảo và đưa ra các khuyến cáo giúp người dân cảnh giác.
0:00 / 0:00
0:00
Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa sang Campuchia. (Ảnh Cơ quan Công an cung cấp)
Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa sang Campuchia. (Ảnh Cơ quan Công an cung cấp)

Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê.

Mới đây, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện tình trạng một số đối tượng quảng cáo, giới thiệu về việc tuyển lao động sang Campuchia làm việc với mức lương cao tới vài chục triệu đồng/tháng.

Qua thời gian tích cực điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ, đầu tháng 4/2022, Duy rủ hai thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho công ty của một người tên Nguyễn Thị Hiền (SN 1989, hiện cư trú tại Campuchia) với mức lương 20 triệu đồng/tháng cộng tiền hoa hồng. Sau khi hai nam thanh niên đồng ý, Duy liên hệ với Hiền và được Hiền chuyển về một số tiền làm “lộ phí”. Sau khi Duy và hai nam thanh niên đến địa phận Campuchia được đón về công ty của Hiền. Duy được trả số tiền 10 triệu đồng tiền công giới thiệu và đưa người sang; còn hai thanh niên được đưa vào khu nhà công ty.

Tại cơ quan Công an, Duy khai nhận, đã dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800 USD/tháng. Sau khi đăng bài, có rất nhiều người đồng ý và được Duy đưa sang Campuchia. Tổng cộng, Duy đã tổ chức đưa trót lọt bảy người sang Campuchia và nhận được 35 triệu đồng tiền công từ Hiền.

Một trong số nạn nhân tin lời Duy, được đưa sang Campuchia cho biết, tại Campuchia, người này làm việc cho công ty có chủ là người Trung Quốc và được giao công việc thực hiện những chiêu trò lừa đảo để dụ dỗ những người Việt Nam đến các sòng bạc chơi; hoặc sử dụng mạng viễn thông, máy tính nhắn tin, điện thoại về Việt Nam để lừa đảo như: nhắn tin trúng thưởng, tham gia sàn chứng khoán.

Các nạn nhân cho biết, bị ép làm việc 12 giờ mỗi ngày và sẽ bị phạt nếu không đủ doanh số. Bên cạnh đó, công ty của người Trung Quốc có canh gác cẩn mật; khi vào làm không cho ra ngoài, công ty trả tiền lương chỉ đủ để chi tiêu, không nhiều như Duy đã quảng cáo. Muốn về nước, phía công ty yêu cầu nộp 3.000 USD mới cho về. Sau khi nộp đủ số tiền cho công ty, nạn nhân được thả về nước tại khu vực biên giới Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Đầu tháng 7 vừa qua, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Nam phối hợp các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn Lại Thị Loan (38 tuổi) và Nguyễn Mạnh Chiến (33 tuổi) cùng trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có hành vi tổ chức cho sáu người sang Campuchia. Hai bị can này khai nhận do có thời gian làm việc tại Campuchia, cho nên đã về nước và lôi kéo, dụ dỗ được sáu nam, nữ thanh niên ở Hà Nam, Sơn La, đưa sang Campuchia làm việc tại một cơ sở chăm sóc khách hàng chơi game với mức lương 900USD/người/tháng. Mỗi người đi phải nộp cho Loan số tiền khoảng bốn triệu đồng.

Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội vẫn đang tồn tại nhiều bài quảng cáo tuyển người đưa đi làm việc tại Campuchia, Philippines với mức lương cao nhằm đánh vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao”, nhanh giàu, nhanh đổi đời của một bộ phận người dân thiếu hiểu biết. Thậm chí, có đối tượng còn lập ra những bài “review” (đánh giá) của một số người đã đi sang Campuchia làm việc và thành công nhằm đánh lừa các nạn nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện một số bài viết của chính các nạn nhân đã sập bẫy lừa đảo đăng lên mạng xã hội để cảnh báo người khác không nên đi theo “vết xe đổ” của mình.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hiện nay, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo, như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12 tiếng-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác, hoặc bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt-tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay-tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile-tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom-tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompenh. Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia. Trong sáu tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi nhận lời cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho người thân về địa điểm, công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.