Tránh rủi ro khi mua bán hàng qua mạng

Hình thức mua, bán hàng qua in-tơ-nét đang được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi, vẫn còn không ít cơ sở sản xuất, cá nhân lợi dụng xu thế này để tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Hoạt động mua sắm trực tuyến phát triển mạnh trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: NGỌC CHÂU
Hoạt động mua sắm trực tuyến phát triển mạnh trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: NGỌC CHÂU

Chị Thu Hà ở khu Mỹ Đình (NamTừ Liêm, Hà Nội) vốn quen với việc đi chợ mua thức ăn tươi sống vào mỗi chiều khi hết giờ làm việc. Thế nhưng, từ khi xuất hiện thông tin về dịch Covid-19, chị chuyển sang mua hàng trong siêu thị. Dù không có tâm lý tích trữ thực phẩm, nhưng mỗi lần đến siêu thị, chị Thu Hà đều cố gắng mua đủ thực phẩm cả tuần cho gia đình bốn người để hạn chế số lần đến nơi công cộng. “Hai tuần trở lại đây, tôi sử dụng dịch vụ đặt và giao hàng tận nơi của một siêu thị gần nhà mà không trực tiếp đến siêu thị nữa”, chị Hà cho biết. Còn bà Nguyễn Thị Hảo, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ: “Khi lệnh cách ly xã hội được tiến hành trên toàn quốc, dịch vụ đi chợ trực tuyến là một trong những lựa chọn của người nội trợ để mua lương thực, nhu yếu phẩm cho gia đình. Hiện quanh khu tập thể nơi tôi ở, người dân đã tự hướng dẫn nhau cách thức gọi điện thoại đặt hàng để hạn chế việc di chuyển. Chỉ sau ít giờ, chúng tôi đã có thể nhận các loại thực phẩm tươi ngon, kể cả rau củ và trái cây”.

Thực tế cho thấy, tư duy mua sắm của người dân đang có những chuyển biến theo hướng tích cực. Điển hình tại TP Hà Nội, nhiều quán ăn, cửa hàng, trung tâm thương mại là những nơi trước đây vốn tập trung đông đúc, nhộn nhịp khách hàng, thì nay thưa thớt khách. Trong khi đó, thị trường mua sắm trực tuyến lại trở nên nhộn nhịp hơn. Bên cạnh mặt hàng thực phẩm tươi sống, các sản phẩm có chức năng kháng khuẩn, tăng sức đề kháng như khẩu trang y tế, nước rửa tay... cũng được đăng bán khá nhiều.

Mặc dù tiện lợi, song hình thức mua bán hàng trực tuyến đôi lúc cũng là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái len lỏi, đem đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Như gần đây trên mạng xã hội đăng tải rất nhiều hình ảnh quảng cáo các loại thẻ đeo kháng khuẩn có tác dụng như “lá chắn” chống vi-rút corona, có thể ngăn chặn mọi loại vi-rút, vi khuẩn trong vòng vài mét... là không có căn cứ khoa học, nhưng vẫn có nhiều người đặt mua. Thậm chí, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự hoang mang của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu trò bán khẩu trang y tế. Ngày 12-3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hào trú tại Quảng Bình về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Hào lập tài khoản Facebook mang tên “Hào Cull” để chào bán khẩu trang. Ngày 9-2-2020, anh Đào Văn H. ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), liên lạc với Hào hỏi mua khẩu trang. Sau đó, anh H. bốn lần chuyển vào tài khoản của Hào với tổng số tiền 45 triệu đồng để mua 18 thùng khẩu trang y tế, nhưng đối tượng không chuyển khẩu trang cho anh H. như đã hẹn và tắt máy điện thoại.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, các ngành chức năng cần rà soát, nắm bắt thông tin và theo dõi các điểm bán hàng qua in-tơ-nét để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, người tiêu dùng nên mua hàng ở những trang web, cơ sở uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: Địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, nhất là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận. Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

Kinh doanh qua mạng là xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để quản lý thị trường mới này. Do vậy, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình. Khi mua hàng qua mạng, người tiêu dùng nên quan tâm đến tính chính danh của trang mạng đó, xem xét kỹ lưỡng đối với những quảng cáo thái quá về tính năng của sản phẩm.

Ông NGUYỄN VIẾT TIẾN

Chuyên gia kinh tế

Khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Nhất là nên cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính, đánh cắp tài khoản.

Luật sư HÀ THU

(Văn phòng Luật sư Thu Hà, Hà Nội)